Thứ Tư, 29 tháng 7, 2009

Lạm bàn về HỌC

Miên tui xin lạm bàn là bởi vì mất dạy rồi thì có tư cách chi mà bàn với luận! Đúng dzậy nhưng vì ngứa miệng quá nên xin phép Chư vị cho Miên được lạm bàn, OK!
Cái Học, sách xưa đã viết: "Học giả hảo, bất học giả hảo. Học như hòa, như đạo; Bất học như cảo như thảo" (Không biết có trúng trật chi không!) Miên tui suy rằng thế là rất đúng, vì học cũng tốt, mà không học cũng tốt, chứ chẳng lẽ không học là xấu à! Chỉ khác nhau chút xíu ở chổ học được thì như lúa, như gạo, còn không học được thì như cây, như cỏ. Mà xét ra lúa gạo cũng tốt mà cây cỏ cũng tốt, chứ cây cỏ có xấu bao giờ đâu. Đúng vậy. Chỉ có lúa gạo cần phải chăm bón nhiều hơn mới tốt tươi được và ích lợi của nó cũng nhiều hơn cây cỏ chút ít, vậy thôi. Như thế cái Học có tốt hơn cái không học một chút, chứ không phải không học là xấu. Thuở đất trời nổi cơn phong kiến người ta nói không có tiểu nhân, quân tử lấy ai mà sai bảo. Suy rộng ra thì còn nhiều thứ để luận bàn lắm, Bờ lốc không thể tải nổi. Chẳng hạn tỷ lệ, cơ cấu các bậc học của một quốc gia như thế nào là phù hợp, chứ không thể mang tiền Kho bạc Nhà nước mà đi đầu tư đào tạo cho 100% nhân dân đều tốt nghiệp đại học cả, hóa ra là rồ à!!!!
Với bài viết này Miên tui muốn tỏ bày cái trăn trở của mình bấy lâu nay: "Lạ quá, tại sao bây giờ cái Học, cái Học vị, Học hàm nó nhiều quá mà lúa gạo đâu chẳng thấy".
Một hôm Miên tui bỗng "hoác ngộ", ngồi một mình trước Máy vi tính mà Miên tui la lên Ơ Rê Ca Ơ Rê Ca... có thể phân định được hệ thống bằng cấp, học hàm, học vị hiện nay như sau:
Phàm có Học thì phải có Thầy, mà đã là Thầy thì đương nhiên phải có Học vì không thể không học mà có thể làm Thầy được. Có như dzậy mới sinh ra Ngày Hiện Chương Nhà Giáo, Ngày Nhà Giáo Việt Nam để Học trò tri ân Thầy của mình. Chưa kể phàm đã là Học thì phải có Trường, có Lớp, có Bạn; chứ không thể tự dưng mà xưng Bằng này Cấp nọ; Mà hỏi học trường nào không biết, lớp nào không hay, bạn học cũ không có. (Xin được phép loại trừ một số trường hợp đặc biệt). Nếu quý vị cùng Miên tui nhất trí cao các dấu hiệu nhận biết này rồi thì Miên tui xin phân biệt hệ thống Bằng cấp cực kỳ phong phú, đa dạng, cỏ rau lẫn lộn hiện nay như sau:
Tiến sĩ 12: Nghĩa là 7 năm BTVH + 3 năm ĐHTC + 2 năm CH;
Tiến sĩ 17: Nghĩa là 10 năm BTVH + 4 năm ĐHTC + 3 năm CH;
Thạc sĩ 10: Nghĩa là 6 năm BTVH + 3 năm ĐHTX + 1 năm CH;
Cử nhân 15: Nghĩa là 11 năm BTVH + 4 năm ĐHTC;
Cử nhân 20: Nghĩa là 14 năm BTVH + 6 năm ĐHTX.
Với hệ thống văn bằng được liệt kê, phân loại như trên, hy vọng quý vị có thể phân định được một cách mạch lạc Lúa Cỏ để làm gáo hay làm môi chi đó trong công việc và cuộc sống. Chúc quý vị thành công dzà dzui dzẻ.

Bình thường


Bình Thường là cái mà ta đang được có, hay nghe, hay nói, hay xem nhẹ, không để ý, hay cho qua, không có chi đáng bàn, không có chi đáng tìm hiểu... Nhân tiện bòn mót được một số kiến thức rơi vãi của Tiền Nhân, Miên tui lấy làm tâm đắc nên xin mạo muội luận bàn nơi đây trong lúc chờ bửa cơm tối, mong quý vị giải khuây, góp ý cho vui cửa vui nhà, cũng là cho vui Bờ lốc:

Bình Thường tức là Bình và Thường ghép lại với nhau. Bình tức là bằng không nghiêng, không lên dốc xuống đèo, không quá cao, không quá thấp, không cong quá, không thẳng quá, không to quá, không nhỏ quá, không âm quá, không dương quá, không sắc quá, không không quá, không xuất quá, không xử quá, không hoành tráng quá, không lem hem luốc huốc quá, không cà rịch cà tang quá vân vân và vân vân... Thường tức là hằng, là không thay đổi, là khi mô cũng có như là thường trú, thường trực, thường xuyên, thường đi nhậu, luôn luôn hiện hữu... Miên tui nghĩ như thế không biết có đặng hay không xin quý vị cứ mạnh dạng góp ý, nếu góp đúng Miên tui sẽ xin điều chỉnh, bổ sung; còn góp sai Miên tui cam đoan không phê bình, kiểm điểm chi cả.

Như thế cái Bình Thường là... là... rất chi là Bình Thường như không khí, nước biển, nước sông, nước suối, đất, đá, hô hấp, tuần hoàn, chạy, nhảy, đi, đứng, nằm, ngồi, ngủ, thức, đèn điện, quạt máy, con mắt, cánh tay, cẳng chân... mấy cái nớ đúng là Bình Thường và rất chi là Bình Thường phải không quý vị (!).

Huy Cận đã viết trong Ngậm ngùi "Ngủ đi mộng vẫn bình thường, à ơ có tiếng thùy dương mấy bờ..." (có nhầm chữ mô xin thông cổm), Có lẽ Văn Cao hiểu cái Bình Thường quá sớm, nên năm 1976 Ổng có sáng tác bài Mùa Xuân Đầu Tiên trong đó có câu "Mùa Xuân đầu tiên, Mùa Xuân Bình Thường" . Xét ra cái Mùa Xuân đầu tiên, một mùa Xuân Bình Thường là rất đúng, bởi vì mùa xuân Bình Thường là mùa xuân có mai vàng, đào thắm, có tiếng chim ca hót, không có chết chóc, chia ly, không có đạn nổ, bom rơi trong làng, dưới ruộng; nhưng oái oăm thay với nhạc phẩm này Văn Cao đã bị phê bình, kiểm điểm chỉ tại vì Ổng không ngợi ca đây là Mùa Xuân đặc biệt đất nước được thống nhất, Mùa Xuân Vĩ Đại... Khổ quá giời ạ chính Mùa Xuân Thống Nhất mới là Mùa Xuân Bình Thường, nhưng người ta không chịu hiểu cho, người ta cứ cải chày cải cối là nội dung bài nhạc hàm ý tiêu cực(!!!!!!!) thật là oan uổng quá Bao Đại Nhân ơi! do đó mãi đến cả 20 năm sau bài hát mới được phép phổ biến. Và Ngài mô đó nói theo ngôn ngữ Thích - Lão rằng: "Bình Thường Tâm Thị Đạo"... và có nhiều ngàn trang viết nữa luận giải cái Bình Thường này quý vị ạ.

Trong những lúc thong dong, an định tâm hồn Miên tui mới hiểu được rằng cái Bình Thường quý báu biết nhường nào. Quý vị có ai dám đổi 1 cái Bình Thường của mình để lấy 1 lượng vàng ròng hay không? Hãy suy ngẫm đi để thấy rằng cái Bình Thường mới thật quý báu cho cuộc sống của chúng ta, không có cái gì quý hơn nữa.
Thí dụ: Miên tui có Ông bạn bị mất đi cái Bình Thường nhất của ổng là cái Ngủ, chạy chữa nhiều năm, nhiều cách rồi mà không lấy lại được cái Bình Thường của mình, Ổng nói ai cho ổng có được những giấc ngủ Bình Thường như mọi người, ổng sẵn sàng trả cho 20 million VNĐ. Rồi một ông nữa bị mất đi Giọng nói, Rồi một ông khác mất đi một Cái chân, Rồi một ông khác nữa lại mất đi một Con mắt... để trở thành Không Bình Thường. Đó quý vị thấy cái Bình Thường có quý không? Cái Bình Thường như hôm nay Miên tui được viết Bờ lốc Bình Thường vậy thôi. Cơm chín rồi Miên tui xin phép đi ăn cơm Bỉnh Thường đây Kính chúc quý vị sau khi đọc bài này rồi cảm nhận được những cái Bình Thường của mình một cách Bình Thường.

Thứ Sáu, 17 tháng 7, 2009

Ngọn lửa Nước Nam

"Nam quốc Sơn hà, Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư
Như hà nghịch lổ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư"
Lý Thường Kiệt tuyên ngôn phá Tống
Để ngàn năm đất nước trường tồn.
Hạo khí Đông A Trần Quang Khải:
"Đoạt giáo Chương Dương độ
Cầm Hồ Hàm Tử quan
Thái bình tu nổ lực
Vạn cổ thử giang san"
Rồi 10 năm Lê Lợi
Kháng chiến quét giặc Minh
Nguyễn Trải tiếp trang hùng sử
Bình Ngô Đại Cáo:
"Đánh một trận
Sạch sanh kình ngạc
Đánh trận nữa tan tác chim muông..."
Đại phá quân Thanh
Quang Trung: "Đánh cho chúng chinh luân bất phản
Đánh cho chúng phiến giáp bất hoàn
Đánh cho biết Nam Quốc anh hùng duy hữu chủ"
Hiên ngang Trần Bình Trọng:
"Thà làm Quỷ nước Nam, hơn làm Vương đất Bắc"
Nguyễn Trải: "Tuy rằng cường nhược có lúc khác nhau
Nhưng hào kiệt thời nào cũng có"
Hỡi hồn thiêng sông núi;
Quốc tổ Hùng Vương;
Anh linh anh hùng liệt nữ;
Và trăm triệu dòng máu Lạc Hồng!./.

Thứ Ba, 14 tháng 7, 2009

To và Nhỏ


Chúng sanh nhao nhao lên rằng: Cái gì thế, cái gì thế ??? Ông Đam nói rằng Âm và Dương, Ông Đa nói Có và Không, Ông Khâu nói Vào và Ra, Ông Tây nói Nước và Lửa... và nhiều ông khác nữa nói tùm lum, không sao nhớ hết được... Bỗng một hôm tui nghe thiên hạ đồn láo, đồn lầm rằng chỉ có To và Nhỏ là bao trùm tất thảy, là thiên la địa võng khắp lanh tẹc này. Hễ ai thông suốt bài kệ To và Nhỏ tức thì "hoác" ngay, Bài kệ như sau:
Trong một đất nước nho nhỏ có một thủ đô rất to;
Trong một thủ đô rất to có một con đường nho nhỏ;
Trên con đường nho nhỏ có một biệt thự rất to;
Trong ngôi biệt thự rất to có một cô vợ nhỏ;
Cô vợ nho nhỏ là của một vị quan rất to;
Vị quan rất to có một cái cặp rất nhỏ;
Trong cái cặp rất nhỏ có một dự án rất to;
Dự án rất to nhưng hiệu quả rất nhỏ;
Dù hiệu quả rất nhỏ nhưng thất thoát lại rất to;
Thất thoát rất to nhưng cái tội lại rất nhỏ.
Trộm nghĩ rằng đọc qua một lượt, tự nhiên mà "hoác" được thì thiệt là cái phước rất to của kiếp người nho nhỏ, nên Miên tui kính tam sao để quý vị thưởng lãm, biết đâu quý vị "hoác" được thì Miên tui đặng phước rất to./.

Thứ Sáu, 10 tháng 7, 2009

Lắng và Náo


Lắng và Náo. Náo và Lắng hai khái niệm lớn của cuộc sống, cái náo thiếu vắng bỗng thấy cô đơn trong cuộc đời, cái náo thiếu vắng bỗng nghe đìu hiu gió thu lay động khóm sim mua trên đồi hoang, lòng Đạo sĩ thấy vui hay buồn đây??? Cái náo lại làm cho vũ trụ quay cuồng rối tung mù loạn để không còn biết đâu là đỉnh chóp. Lắng để rồi Náo, Náo để rồi Lắng trở thành mối loạn của vũ trụ thiên hà, trở thành cái bão tố, gió mưa, tai ương, hạn hán, dịch hạch, tối tăm, đấm nhau lòi xương, toặc não... Ôi thôi! Bạn ơi, Cha ơi, Mẹ ơi, Thầy ơi!!! Biết kêu ai bây giờ bởi vì tâm đã bất an và ta đã không nơi an trú. Tôi có thể nói quanh nói quẩn, nói bậy nói bạ về Lắng và Náo nhưng tốt hơn hết bạn hãy cùng tôi xuống biển lên rừng, trèo lên đồi hoang rồi úp mặt xuống đất, dang rộng hai tay ôm cái La Terre và nói thầm với Ổng rằng bạn thương Ổng, biết ơn và cảm ơn Cái Cõi Người Ta này. Sau đó bạn đứng dậy dang hai tay hít thở nhẹ nhàng lắng nghe tiếng nói từ Vũ Trụ bao la. Nếu tâm bạn lắng và Ông kia cảm nhận được tình thương của bạn thì Ổng sẽ trả lời. Có thể Bạn sẽ thấy Không. Cái Không là cái Có, Cái Có cái Không là cái Đạo còn Cái Đạo là gì? Ngài Cụ Cố Tổ Cao Tằng Nghìn Niên Hữu Nhất Lão Đam viết rằng: (Nguyên trước đây Ngài Cụ Cố viết bằng thứ tiếng chi thì không rõ, nhưng người đời sau có Bách sao thất bản) "Đạo thì không phải là tên vĩnh cửu bất biến. “Không” là gọi cái bản thủy của trời đất; “Có” là gọi mẹ sinh ra muôn vật; Cho nên, tự thường đặt vào chỗ “không” là để xét cái thể vi diệu của Đạo tự thường đặt vào chỗ “có” là để xét cái dụng vô biên của nó. Hai cái đó cũng từ Đạo ra mà khác tên, đều là huyền diệu. Huyền diệu rồi lại thêm huyền diệu, đó là cửa của mọi biến hóa kì diệu." Ấy là thế, thế là ấy. Chẳng qua học mót đôi câu viết ra lúc Lắng để chuẩn bị cho cái Náo sắp hoành hành thể xác tội nghiệp này thôi. Theo ý của Thầy Thích Trí Siêu, một vị "Không thể định danh được" sau mấy mươi năm tu tập, lang thang đây đó gần khắp cả Cõi Người Ta này đã tự hỏi rằng: "Ổng còn là một Thầy tu Phật Giáo chánh tông nữa không hay là đã bị nhiễm nhiều thứ "ngoại đạo"? Nhiễm như vậy là tốt hay xấu? Tôi xuất thân từ Ðại Thừa, tu tập thiền Tiểu Thừa, sau theo Kim cang thừa và bây giờ tôi đang theo "Ðạo gì"? Ðạo gì vì cho nó tên gì cũng được, cái đó không quan trọng. Quan trọng ở chỗ tôi có sống thực được với chính mình hay không, có vượt qua được những khái niệm chấp trước nhị biên của tôn giáo hay không? Theo "Ðạo gì" thì không có gì tốt hay xấu, chỉ có những kinh nghiệm khổ đau hay sung sướng để tiến hóa. Có người cần kinh nghiệm khổ đau để trưởng thành, có người cần kinh nghiệm sung sướng để nghỉ xả hơi trên quãng đường luân hồi bất tận. Ðạo Chúa phát xuất từ nước Do Thái, nhưng ngày nay dân Do Thái đâu có theo Ðạo Chúa mà theo Ðạo Do Thái (Judaisme). Ðạo Phật bắt nguồn từ Ấn Ðộ nhưng hiện nay đa số dân Ấn theo Ấn Ðộ Giáo (Hindouisme) chỉ có khoảng ba phần trăm theo Phật Giáo. Như vậy Ðạo nào hay nhất? Nhiều năm về trước, khi mới ra làm giảng sư tôi hăng say biện luận cho Ðạo Phật là Ðạo hay nhất. Ðó chỉ vì tôi chưa được học về những Ðạo khác. Gần đây, sau khi ra thất được đọc quyển "Hành trình về phương Ðông" do Nguyên Phong dịch, tôi như bừng tỉnh sung sướng thấy được những chân trời mới. Thấy chân lý không phải là sở hữu của riêng một tôn giáo nào. Chẳng cần tham vọng nói đến chân lý, tôi chỉ muốn tập sống với thương yêu, hiểu biết, thông cảm và tha thứ." Đó, thấy chưa, Kinh nghiệm khổ đau và Kinh nghiệm sung sướng đều cần thiêt cho mọi chúng ta, Như dzậy cái Lắng và cái Náo có lẽ cùng như thế chăng? Kính mời Quý vị Tổ Sư Mai Danh Ẩn Tích, Cao Nhân Hiệp Khách Giang Hồ, Bằng Hữu Sáng Say Chiều Nhậu, đọc cho zzui zzẻ gọi là Bờ Lốc Lang Thang của Miên Như.

Thứ Năm, 9 tháng 7, 2009

Càm ràm vợ con


Sáng nay, rãnh rỗi bạn rũ đi uống cà phê. Trong lúc trà dư cafe hậu nghe bạn kể 2 mẫu chuyện tào lao thiên địa; nhưng ngẫm nghĩ thấy hay hay, gờn gợn, nghẹn ngào nên ghi lại đây để khi buồn khỏi trách ông xanh:

Chuyện tào lao thứ nhất: Lão Chồng sau khi đi thăm đám ma người vợ của Bạn mình về nhà, mặt mày buồn bả, bỏ ngủ quên ăn tám ngày liền; Mụ vợ lão ta bèn lân la dò hỏi: "Ông ạ, Bà vợ Bạn của ông đã già yếu rồi, hơn nữa cũng bệnh tật tùm lum, Bả đi như thế cũng nhẹ nhàng cho chồng con khỏi khổ, vậy cớ can chi mà ông buồn bả lắm vậy? Hay là ông có duyên nợ chi khó nói lắm hay chăng??? Thôi hãy gạt hết đi ưu phiền để vui sống quảng đời còn lại với vợ con". Lão Chồng nghe vậy bỗng òa lên khóc nức nở, khóc tức khóc tưởi như chưa từng được khóc bao giờ. Cả gia đình con cháu xúm lại an ủi một hồi lão chồng mới nấc nấc trong nghẹn ngào thì thào lẩm bẩm cái gì đó nghe không rõ, rồi bồng lão ta rống lên: "Trời ơi là trời! thế mà cả nhà không ai hiểu cho tui hay sao? Vợ người ta thì đua nhau chết ào ào, còn vợ của tui thì cứ sống nhăn răng ra đó, không chịu chết cho rồi, mà cứ đeo bám tui mãi như thế này thì làm sao tui sống cho hết đoạn đời còn lại đây!!!"

Chuyện tào lao thứ hai: Lão chồng già nằm thoi thóp trên giường bệnh, cả nhà vây quanh, tiềng khóc thút thít của vài người như xé lòng xé ruột trước giây phút lâm chung của người sắp đi họp. Mụ vợ lão ta ngồi bên cạnh, tay vuốt nhẹ lên má, lên trán, lên ngực lão ta và thầm thì nức nở nghẹn ngào: "Ông ơi! Ông mà ra đi thì tui cũng đi theo lập tức, chứ làm sao tui sống nỗi khi thiếu vắng ông" Mụ ta tâm sự với đôi dòng lệ tuôn rơi lả tả. Bỗng lão chồng mở mắt ra, đứng phắt dậy hét lớn một thôi một hồi rằng: "Thôi, thôi! Mụ đeo bám theo tôi suốt chừng ấy chưa đủ hay sao??? Bây giờ tôi sắp được về bên kia thế giới để may ra tạo dựng cuộc đời mới mà mụ cứ bám riết tôi như thế thì thử hỏi cuộc đời tôi khốn khổ đến chừng nào mới dứt được???..."

Thứ Tư, 1 tháng 7, 2009

Sau ngày gặp gỡ 30


Thế là cái ngày kỷ niệm 30 năm ra trường của lớp tôi lại qua đi để các bạn khắc thêm một kỷ niệm. Chỉ có 2 ngày mà thêm bao nhiêu là trận cười vô tận. Mỗi chúng tôi lại trẻ thêm ra 8-9 tuổi, vậy là chúng tôi bắt đầu lại cuộc đời với cái tuổi 45. Ồ thật tuyệt vời. Hai ngày 27-28/6/2009 đã đi vào sử lớp. Bây giờ các bạn trở về với công việc của mình mà ngồi tiếc chuyện hôm qua. Để rồi nhớ, để rồi có cái tào lao với bạn bè. Lớp trưởng Hoàng Văn Ngô, Lê Văn Hạp gần như kiệt sức vào sáng 29. Châu, Danh, Nhân, An, còn bình an vô sự nhưng chiến sự cũng đã làm cho chạm trần sức khỏe. Đài tiếng nói Duy Xuyên sau khi trở lại cố thủ tại Cầu Mống với đồng minh Nguyễn Nhẫn đã tiếp tục phát sóng khiêu khích Đại Đoàn Tây Nguyên để vớt vát cho cuộc thất trận đắng cay trên bờ sông thơ mộng. Trương Anh, Lê Chí Vi, Trần Bá Hùng sau khi tung ra những cú đòn vu hồi hiểm hóc đã triệt thoái an toàn, bảo toàn được nội lực nên Đại Đoàn Tây Nguyên đã ráng sức mở thêm được mặt trận mới tại Chư Sê, cửa ngõ của Đắc Lắc để ôm bom liều chết, đánh một trận khá giòn giã, liên tục đưa tin chiến thắng về Đại Bản Doanh cho "lão tướng" Miên Như, cho đến 22 giờ 12 phút ngày 29/6/09 hết pin, đài tắt mọi tin tức hoàn toàn im bặt, lặng thinh. May mắn thay trong trận này Đại Đoàn Tây Nguyên chỉ bị choáng 5,5 độ rích te thôi, không có ai bị thương vong. Hôm sau Đại Bản Doanh đã Tổng kết chiến dịch và ghi nhận sự An bình, Chiến đấu và Chiến thắng oanh liệt của các Bạn trong những ngày kỷ niệm 30 bằng hai câu thơ sau:
TA Ở LẠI CÁI BUỒN TREO LÊN VÁCH
BẠN QUAY VỀ MANG NỖI NHỚ CHIA XA.