Thứ Ba, 20 tháng 10, 2009

Một thuở Cao nguyên

Ký ức của Phan Văn Hiền.
(Thân tặng các bạn đã từng một thời dạy học ở BMT)
Hồi ấy...
Gia đình tôi đông anh em, mẹ tôi mất trong chiến tranh, nhớ hình ảnh mẹ tôi không kịp oằn người quằn quoại nhưng còn đủ sức thì thào trong đôi cánh tay của ba tôi: "Em chết rồi anh ơi…" và lịm dần trong tiếng gào thét nghẹn ngào của ba tôi – Một quả đạn pháo nổ tung xuyên qua chiếc áo dài mẹ tôi đang mặc, mảnh đạn ghim vào tim…
Sau chiến tranh… dù mất mát nhiều nhưng tôi thầm mãn nguyện và hạnh phúc, cảm thấy bình yên khi không còn nhìn thấy những chiếc quan tài được phủ màu cờ, những thi hài bê bét máu, thương đau…
Nhớ cảnh “rau muối qua ngày” đến bữa, nấu cháo bột mì , ra vườn cắt rau môn xắt nhỏ cho vào đầy cái khương nấu bùn bò của mẹ tôi để lại. Cả nhà quay quần ăn thật ngon lành…
Không riêng gì gia đình tôi, phần nhiều đều gặp khó khăn, nghèo nhưng không đơn độc
Hồi ấy tôi ao ước điều gì thì tôi không còn nhớ rõ. Nhưng, có một điều làm tôi luôn trăn trở là làm sao để giảm đi gánh nặng cơm áo của gia đình, của ba tôi…
Tôi thương ba tôi vất vả một mình nuôi tám anh chị em chúng tôi ăn học.
Nên ... sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm, tôi băn khoăn nhiều trước một dãy dài các tỉnh miền Nam có nhu cầu tuyển giáo viên .
Muốn “Đi xa cho người ta luyến nhớ” (Thơ Lữ Tùng Anh) hay cho “Thỏa chí tang bồng”… nhưng cũng ray rức khi mấy em của tôi còn thơ dại quá, thương xứ Huế trong mưa dầm thúi đất… thương ngọn đèn dầu hiu hắt bên nhà của “Cô láng giêng ơi”… và Thương ba tôi vẫn tươi cười trong vất vả nhọc nhằn…
Đánh liều,Tôi quyết định ghi tên vào trong dòng nguyện vọng “ Đi bất cứ nơi đâu ngoài Bình Trị Thiên” để thực hiện “Thiên chức” “Gõ đầu trẻ” của mình.
Khoảng hơn một tháng sau tôi nhận quyết định đi dạy học ở Ban Mê Thuột, quê hương thứ hai của đời tôi….

“ Te tua !”

Ban Mê thuột, nơi mà tôi và mấy người bạn dạy cùng trường nghịch ngợm gọi theo cảm tính là “Buồn Muôn Thuở” hình tượng hơn “Bụi Mù Trời” mầu mỡ no đủ gọi “Bắp Mà Thôi” hay “Bánh Mì Thịt”… vùng đất trù phú với nhiều đồn điền cà phê mới vừa được quốc hữu hóa .
Cơm tập thể ngày hai bữa, khi thì độn khoai, khi thì sắn lát lục cục lộm cộm trong mấy hạt gạo suy giảm chất lượng vì “An ninh lương thực”, phải để trong kho lâu ngày.
Làm sao mà không thèm tô bún bò kho nấu theo kiểu miền Nam của bà “Sáu ốm Sài Gòn”, bán gần ngoài cổng trường. Mỗi buổi sáng đi ngang qua mùi bò kho ngào ngạt, mặc dù thỉnh thoảng mới ghé vào nhưng vẫn hết cả tiền lương, nên đổ nợ đổ nần.
Có đêm sau khi xuống phố trở về đến khu nhà tập thể xót bụng, bới tạm mấy bụi sắn ở bờ rào nấu ăn cho đỡ cồn cào, ấm bụng soạn giáo án cho xong để ngày mai lên lớp.
Các cô giáo giỏi để dành nên áo quần áo luôn lành lặn. Các thầy giáo chúng tôi thích làm “Lãng tử lang thang” nên tem phiếu vải đã biến thành cà phê, thuốc lá và bún bò kho “Bà Sáu Sài Gòn”. Lên lớp áo bỏ vào quần nai nịt gọn gàng, Thầy nào cũng gầy nên chân đi lất phất trong mốt quần ống rộng, quần áo một hai bộ mặc lâu ngày sờn cả mông, cả gối;
bạc màu thì lật mặt trong ra ngoài may lại… Quần rách mông, xâu kim chỉ mạng lại là thường, chúng tôi gọi đùa “Tivi” đeo sau mông mà lên lớp, vẫn dạy học trò đàng hoàng, hăng say... quên cả trời trăng mây nước.
Nhớ có lần tôi về thăm gia đình học sinh để động viên em Thảo, học sinh lớp 11 do tôi chủ nhiệm tự dưng nghỉ học nữa chừng; sau khi uống ngụm trà, tôi vào đề:
- Thưa bác mấy hôm nay em Thảo nghỉ học, không hiểu có chuyện gì không?
Mẹ Thảo thở dài ngao ngán:
- Thưa với thầy, nói thiệt tình, cháu Thảo không muốn đi học.
- Sao vậy bác? Tôi hỏi lại.
- Cháu mất căn bản nên chán học, tôi khuyên cháu hết cách rồi, thôi ! cho cháu theo tui buôn bán… chứ tui nói thiệt… học chi cho lắm cùng te tua như các thầy… Tui buồn lắm thầy ơi!
Lòng chết lặng, không nói nên lời, lâu nay mình không để ý. Tôi vội gật đầu chào người phụ nữ bộc trực và thẳng thắn, từ từ bước thụt lùi ra phía cửa một cách khéo léo để không ai nhìn thấy cái “te tua”, vì sau mông chiếc quần xám bạc màu của tôi là hai cái “Tivi” mà tôi chắc chắn rằng mẹ của em Thảo đã kịp nhìn thấy khi tôi mới bước vào nhà…

Thầy ơi!
Thầy giáo Kim Long, bạn của tôi,dạy anh văn trong trường có tài “Thơ lục bát” ngâm rằng:
“Khi xa thị xã Ban Mê
Thương những con dốc đi về sớm trưa
Thương những điều ít ai ưa
Trời nắng lắm bụi trời mưa lắm bùn”
Còn tôi...
Ngoài “Thương những điều ít ai ưa”
tôi còn thương tiếng… “Thầy ơi” của học trò.

Thầy ơi!! Thầy ơi!
Văng vẳng từ phía dưới bờ dốc bên kia hàng rào ngăn cách giữa khu tập thể của trường với con đường Nguyễn Công Trứ phía dưới, con đường mà chúng tôi thường băng qua bên kia để đi xuống vườn mít, mít chín nhiều nên chủ vườn dùng làm thức ăn cho trâu bò…
Người bạn cùng phòng nói với tôi:
Ê! ... Học trò của mi đó, ở ngoài hàng rào dưới tê tề…
- Rứa à? Tôi lừng khừng.
Tôi đi ra phía ngoài, lắng nghe, có tiếng cười khúc khích của một đám học trò cả trai lẫn gái…
Bỗng có tiếng vọng lên trong trẻo :
- Thầy ơi!... chụp nghe thầy… chụp nghe thầy…
Một vật gói bằng giấy báo có vẽ khá nặng bay vèo về phía tôi, tôi chụp như thủ môn thiện nghệ. Gói giấy báo mềm mềm còn nòng hổi.
- Tụi em về nghen Thầy... cả lũ cười rúc rích, tinh nghịch trong cái nắng Cao nguyên oi ả,
không biết học sinh lớp nào tôi chỉ biết cười lớ ngớ:
- Ai đó? Các em trưa rồi sao còn đến đây làm chi…
Tiếp lời tôi là một chuổi cười rúc rích và tiếng lạo xạo của cành khô gãy. Tôi chỉ kịp thoáng thấy bong dáng của mấy cô cậu học trò khi các em nép sát người chạy xuống con đường phía sau trường.
Cả bọn chúng tôi trong phòng xúm lại, khi lớp giấy báo được mở ra, có tờ giấy nhỏ ghi mấy chữ lăn tăn, tôi cầm lên đọc “NHÀ EM MỚI KỴ BÀ NÔI - EM BỚI LÊN CHO THẦY”, thêm một lớp lá chuối được mở ra, một về xôi với nửa con gà luộc, gói muối tiêu vàng khè mỡ màng thơm phức.. tôi kêu lên ngạc nhiên:
- Ui chao !
Thằng Nhu, bạn tôi rống lên tinh nghịch: Ứ ư..Tôi yêu em! Tôi yêu em... gà luộc ơi!... Gà luộc ơi…
Và từ đó đến giờ, mỗi lần nhìn món xôi gà, tôi chiêm ngưỡng trong thoáng giây và nhớ về các em học sinh của tôi, lòng ấm lại, trái tim tôi bay bỗng yêu thương. (Còn tiếp)

Thứ Ba, 6 tháng 10, 2009

Gọi em - Thơ Nguyên Sa

Một buổi sáng thức dậy không thấy em,
Tôi chạy ra cửa sổ gọi tên em: Rất to
Những tiếng kêu thất thanh vang trên hè phố
Tôi thầm nghĩ:
Nếu được làm vua,
Tôi sẽ không ngần ngại mang áo mũ cân đai
Ra đứng giữa hoàng thành bắc loa gọi em về làm Hoàng hậu
Tôi bảo rằng em phải về ngay!
Nếu em là gió, tôi sẽ làm trăng;
Nếu em là trăng, tôi sẽ làm mây;
Nếu em là mây, tôi sẽ làm gió thổi.
Còn nếu em là chân trời xa, tôi nguyện làm cánh chim Bằng rong ruổi.
Còn nếu em là mặt trời
Thì bên kia đường xích đạo,
Tôi nguyện suốt đời làm kiếp hướng dương.
Tôi bảo rằng em phải về ngay!
Nếu e ngại tâm hồn còn bé dại,
Tôi sẽ hoá thành một cậu bé học trò
Không bao giờ thuộc bài vì mãi mê đọc tên người yêu
Từ sáng đến chiều, từ đêm đến sáng;
Nếu em không về!
Tôi sẽ ngồi câu cá bên dòng sông Ngân
Nước sông vời vợi, suốt cả tháng Bảy mưa Ngâu
Để linh hồn tôi chết đuối.
Nếu em không về!
Tôi sẽ làm một cuộc cách mạng dài vô hạn,
Nhuộm màu cờ vũ trụ bằng màu tóc của em.
Tôi xoá hết biển hiệu, tên phố, tên đường
Và viết lên: Hỡi người yêu! tôi chờ em mãi mãi.
Nếu em không về!
Tôi sẽ lên chốn sơn lâm làm một gã thảo khấu
Cướp hết những bức thư tình đem lên núi cao
Đọc thật to cho giun dế nghe để sẻ chia nỗi niềm cô độc.
Người yêu ơi! Em phải về ngay./.

(Lưu ý: Ghi theo ký ức nên không đúng nguyên tác, xin tạ lỗi với Tác giả trước)

Thứ Hai, 5 tháng 10, 2009

Tuyệt cú của Giả Đảo


Nhị cú tam niên đắc
Nhất ngâm song lệ lưu
Tri âm vô thưởng thức
Quy ngọa cố sơn thu.
Giả Đảo

Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2009

Gã thủy thủ già


Gã thủy thủ già
Đã đi hết hành trình của mình,
Quay về nơi bến cũ.
Sóng vỗ bờ
Lưu luyến mãi.
Vì sóng biển và thủy thủ kia là bạn
Bao năm rồi gắn bó chuyện buồn vui.
*
Thuở mùa xuân
Vượt muôn trùng lớp sóng,
Chuyện sâu nông lòng biển:
Hỏi mai sau!
Và xanh thắm trưa hè gió mặn
Sóng ân tình tâm sự cuộc biển dâu.
*
Có những lúc chiều buông, nắng sớm
Đại dương bao la trăn trở buổi quay về.
*
Thu sang,
Đêm trường ánh trăng vàng ru giấc.
*
Rồi đông đến,
Người thủy thủ lên boong tàu,
Buộc lại chiếc buồm xanh.
Cho bão táp, cuồng phong,
Sóng gầm giận dỗi
Vẫn yên bình lòng biển lắng thêm sâu.
*
Thời gian trôi nhanh,
Trôi nhanh,
Chiều buông xuống.
Người thủy thủ già thanh thản,
Đếm bước chân mình trên biển cát bình yên./.

Miên Như
Huế, 13/02/2009