Thứ Hai, 8 tháng 6, 2009

Cái Banmê 30

Đúng ra là Le Banme hoặc La Banme chi đó, nhưng mà phải dịch sang tiếng Việt là Cái Banmê mới đúng ngữ pháp và ngữ cảnh. Việc này hơi rắc rối vì nó đụng đến sách vở thánh hiền cho nên tạm chấp nhận như thế. Viết Cái Banme để nhớ cái Ban mê ấy một thuở mấy chục thằng lớp tôi phải Hành phương Tây nguyên để đem cái con số, con má cho đồng bào các loại dùng tạm. Tôi chưa bao giờ có ý tưởng viết cái này, bởi vì nó nhiều thứ quá, lan man, lãng mạn và đôi khi đụng chạm đến cái vi tế của đời người. (Cái vi tế này thì xin chớ hỏi là cái gì). Từ bấy đến giờ đã là tam thập nguyên niên thanh thiên bạch nhật, tất bật lắm người, vui cười cũng lắm đứa. Có đứa đã lấy Tây Nguyên làm bàn đạp, đạp một phát qua tận Nhật Bản rồi lấy đà qua Mẽo quốc an cư; có đứa dựng cờ khởi nghĩa lập quốc tại Kontum (Nguyễn Hữu Đôn), Pleiku (Không còn ai, đường trần ôi quá dài), Daknong (Trương Anh), còn 5, 6 tên đóng bản doanh tại Banme Capital (Lê Chí Vi, Trần Bá Hùng, Dương Văn Đức, Trương Ký, Hồ Tùng Linh) một thằng hy sinh, một thằng mất tích (Hoàng Văn Thiên, Nguyễn Ninh) một số thằng phải bỏ của chạy lấy người như Hà Thúc Công và tôi (Banme), Nguyễn Thanh (Pleiku, An Khê), Nguyễn Phát (Kontum)... để bây giờ tam thập dư niên hậu, thiên hạ hà nhân hiểu lớp tôi. Cũng vì cớ đó năm nay anh em đang ở Huế tổ chức kỷ niệm 30 năm ngày ra trường vào ngày Sunday 28/6/2009, anh em tập trung chiều 27/6. Như thế, việc có gặp nhau không cái 30 vẫn là cái 30, không thêm, không bớt. Bây giờ nói chuyện được mất sau cái 30 thì nhiều, đôi khi như thiền sư không có gì để nói, im lặng, lặng im, chiêm nghiệm, nghiệm chiêm... đôi khi "đi qua vườn nhà em, không còn em ở đó, bỗng nhớ từng tiếng hát thiết tha yêu cuộc đời... " chỉ còn nỗi nhớ khôn nguôi, nhớ nhiều lắm, nhớ phố xá, nhớ bạn bè, nhớ mưa bùn bụi đỏ mờ nhân ảnh, nhớ cái đói cồn cào nao lòng nao ruột, nhớ Nguyễn Ngọc Phát giáo viên văn dạy cùng trường, lấy rỗ hái rau khoai luộc lúc 7 giờ sáng, để kịp xong tiết 1 anh em về có cái chấm nước muối để tiếp tục lên tiết 2, nhớ hai đồng bạc Phát để trong tờ bìa cuốn giáo án, nhớ khói từ trong tủ bay ra, nhớ 3 con tướng đỏ 4 con tướng xanh của thằng Trương Anh và Nguyễn Trọng Hiệp ép mặt xuống chiếu mà ngao ngán cho ván cờ sinh tử, nhớ cà phê kèm bánh rán quốc doanh, nhớ cơm - phở - cà phê tự do chọn lựa 1 món trong 3 vân vân và vân vân. Viết cái 30 để nhớ thằng Hà Thúc Công thu dấu bạn bè trong phòng kín để chiêu đãi ly cafe và điếu thuốc lá dullhill, nhớ thằng Võ Quyền với quả mít mới chín Mẹ tấp tóa bước ra vườn cầm cây sào gỏ gỏ vào trái mít đang còn đeo trên cây để xem mít đã chín chưa cho mấy thằng bạn chết đói của hắn đang chảy nước miếng, nước mồm nhìn mấy trái mít trên cây như mấy cái tàu há mồm chờ sung rụng. Nhớ cái thằng Hoàng Đức Nghiêm nửa đêm, nửa hôm đùm qua nhà tôi mấy lon nếp dẻo từ Quảng Trị mang vào nhưng không thể nấu tại cư xá được vì mấy tiểu đội ma đói lâu năm đang rập rình ở đó. Nhớ thằng Hồ Văn Minh trong túi chẳng có xu keo nào, mà dám cả gan rũ 2, 3 thằng qua nhà tôi đi uống cafe, tôi sơ sài mất đề cao cảnh giác mặc áo để đi thì có thằng nào đó tiện tay lấy trên kệ sách của tôi 1 chồng sách khoảng 5,6 kilô cho vào túi xách đã chuẩn bị sẵn, đem vào chợ Đông Ba bán giấy vụn để lấy tiên chiêu đãi cho tui ly cafe đen đủi. Sau khi ăn chơi xong hắn mới cười ruồi nói lời thông cảm, thật kêu trời không thấu; về ngó lại toàn sách thánh hiền tích cóp mấy lâu nay hắn bán mất rồi. Bây giờ nghĩ lại thấy mấy việc làm của hắn là tội cố ý làm trái có tổ chức hẳn hoi chứ không phải là vô tình nhân tiện. Để thấy cái đói nó gian ác như thế, tôi chưa từng thấy trong sử sách có thằng thư sinh nào đem sách đi bán để uống cafe cả. Có lẽ vì thế mà sau này thằng Minh khi khá giả hắn đã làm nhiều việc "Thiện" để sám hối cho hành động dã man này như: Chiêu đãi tôi mấy cú nhậu nhẹt ra trò, toàn bia lon ướp lạnh, thịt nướng cá chiên, rau xào thịt hộp, ếch ớt sả xào, kara máy lạnh...(còn cái kia không dám kể); rồi không biết hắn có nợ nần chi thằng Diệp bạn phổ thông của hắn mà hắn "ăn năn sám hối" gửi tiền nhờ tôi mua tặng Diệp cả 1 chiếc xe Dream đập hộp. Còn chuyện đạp xe cà tàng đi tán tỉnh lăng nhăng với hắn thì tthôi, cho phép tôi không khai báo vào đây vì e rằng Mụ Tám vợ hắn (người phụ nữ Bến Tre chịu thương chịu khó tuyệt vời) biết thì phiền hà trăm nẻo he he... kể được như ri là cũng sướng lắm rồi, xả được cái uất ức 30 năm ni không dám nói. Nhớ thằng Lê Chí Vy ngày ấy nóng nảy như Trương Phi và bây giờ chắc cũng vậy, hắn nóng đến nồi khi đang làm bài thi môn Giải tích của thầy Lê Tự Rô, hắn đang bí, chưa tìm ra cách giải lại bị thằng Võ Quyền trời đánh thọc gậy bánh xe chọc gọi hắn "Bác Tề làm bài xong chưa?" (Tề Thiên Đại Thánh, trời đánh thánh vật) , hắn nỗi tam bành lục tặc lên và xé tan hoang bài thi không cần làm nữa, chấp nhận hẹn tái ngộ với thầy lần sau. Khi lên Banme chứng nào tật nấy, chứng nào tật nấy nên hắn bỗng lừng danh vang bóng một thời cho mãi đến tận bây giờ chưa hề phai nhạt. Nhớ thằng Phạm Sỹ với 54 cuốn sổ tay mà hắn quý hơn binh thư yếu lược của Tôn Tử, Quỹ Cốc Tiên Sinh ngày xưa, không biết võ thuật hắn học thâm hậu đến cấp nào mà có lần hắn với tôi lâm trận thư hùng, hắn đã phóng qua được cái bờ rào thép gai cao hơn mét rưởi hô hoán dân làng đem quân cứu ứng, chạy thoát một trận huyết chiến của giới giang hồ thời đi học; hai mươi năm sau, gặp lại hắn trong quán Nam Sông Hương ôn cố tri tân, kể lại chuyện xưa, tích cũ; hắn hứng chí đấm một phát vào bức tường trong tửu quán làm vở toang một mảng cốt thép bê tông, các cô nhân viên nhà hàng khiếp vía một phen. Bây giờ hắn đã thành công với 54 cuốn sổ tay bí kíp ngày xưa ấy và nội công của hắn đã lên đến hạng thượng thừa. Còn Nguyễn Thanh ư??? với tôi không có gì để nhớ vì:
Biết nhau từ thuở một hai,
Trời xanh, mây trắng, sông dài, núi cao.
Cho đến bây giờ vẫn:
Núi cao, mây trắng, sông dài
Trời xanh từ thuở một hai đến giờ.
Không có cái gì để nhớ vì có bao giờ quên đâu !!! Nhìn lại cái 30 oái oăm trôi qua như gió thoảng, như mây bay, như cơn say chưa hề tỉnh, như Hà Tỉnh mới nhập với Nghệ An, như lang khang đi cùng lạc địa... Gần đây tôi có nghe đồn láo rằng có người đề nghị nhập 2 tỉnh Quảng Bình với Hà Tỉnh gọi là tỉnh Bình Tỉnh, nhập 2 tỉnh Cần Thơ và Tiền Giang lại gọi là tỉnh Cần Tiền, nhập 2 bộ Nội Vụ và bộ Y Tế gọi là bộ Nội Y, nhập 2 bộ Lao Động và bộ Giáo Dục gọi là bộ Động Dục... đặc biệt nhập 3 tỉnh Tây Nguyên là Đắc Lắc, Kon Tum và Plây Ku thành một tỉnh mới nhưng bàn mãi mà chưa chọn được tên thích hợp. Khi nhập 3 tỉnh này lại với nhau không biết Trương Anh, Nguyễn Ngọc Quang (Khoa Lý) xét trong bể cạn ai nhường ai đây!!! thế mà, thế mà bây giờ nhìn lại một vùng lắng im, đôi khi thấy trong cánh chim lời em nói, đôi khi thấy trong tóc em mùi cây trái thơm tho... Nhớ là nhớ như thế đó, còn nhiều cái nhớ khác nữa mà Nguyễn Thanh đã nhớ mất rồi.
Và đến bây giờ:
Kỷ niệm nỗi nhớ khôn cùng
Trông về ký niệm mịt mùng thời gian
Xa xăm vọng lại tiếng đàn (Violon)
Lời ca xưa ấy chợt lan kín hồn.
(Thơ của Nguyễn Thanh)
Bây giờ đã là 30 năm hành xử cho cái nợ tang bồng hồ thỉ. Chắc mỗi chúng ta ít nhiều tri được cái thiên mệnh mà ông thiên đã định. Do đó - cho nên - suy ra - bởi vậy cùng nhau gặp gở để san sẻ với nhau những buồn ít hơn vui, lời khóc lời cười, chuyện ngắn chuyện dài kể hết cho nhau nghe....trong cái Sunday 28/06/2009 này.
Miên

Không có nhận xét nào: