Thứ Năm, 4 tháng 6, 2009

Tản mạn văn chương

Văn dĩ tải đạo, ô kê văn dĩ tải đạo hay là văn dĩ tải đời hay tải cái chi đó cũng được, miễn đã là văn thì phải tải. Tải cái gì cũng được! và đôi khi có cái văn đi tải cái lung tung lang tang. Viết bài này để tải cái chi đó hè ??? Chắc là có tải cái chi đó, ừ cứ như thế đi. Nhưng tải cho ai ??? tải cho ai ??? À ừm... tải cho vài thằng bạn thân đọc cho khuây khỏa trong lúc bị vợ con càm ràm chẳng hạn. Ừ cứ thế đi nhé. Mà thằng bạn nào, tên chi, ở chổ mô, ôi dào rứa mới khó trả lời đây. À thì thì...thì cứ là từ gần rồi lại đến xa: Phan Văn Hiền (ĐHSP Khoa Sinh 74-78) một thuở lang thang Ban Mê Thuột, bây giờ dạy học ở Huế, Hà Thúc Công đang và sẽ vĩnh viễn mất dạy ở Huế, Võ Quyền Tiền Tiến sĩ Toán học đang dạy hành ở Huế, Dương Thọ đang dạy ĐHBK Đà Nẵng, Phan Văn Luận đang tu thân tích đức ở Saigon, Hoàng Đức Nghiêm vừa chơi vừa làm ở Saigon, Hồ Văn Minh, Nguyễn Thanh đang ở Mẽo không biết có bị cơn bão khùng hoảng tài chính quét bay không và nhiều thằng nữa không nhớ hết... Thôi, thôi cứ thế có nghĩa là cứ như thế. Nguyễn Thanh với cú nhớ thâm hậu, nhớ lại đuợc những kỷ niệm ngày xưa còn rõ nét, đâm dễ ghét; nhớ được thì cũng tốt nhưng không nhớ được cũng chẳng sao, ngày xưa hắn đã viết:
Kỷ niệm nỗi nhớ khôn cùng
Trông về kỷ niệm mịt mùng thời gian
Xa xăm vọng lại tiếng đàn
Lời ca xưa ấy chợt lan kín hồn.
(Riêng 4 câu tuyệt cú mèo ni hắn xứng đáng được phong "Lục bát Nguyễn Thanh thất thịnh Nguyễn")
Không biết trong lời ca xưa ấy có vọng tiếng đàn Violon của Cẩm Hà tức "cà hẩm" không? Nghe nói bây giờ Cẩm Hà vẫn đang dạy học tại Hà Nội, nhưng chắc là già sắp về hưu rồi, vọng vậy thôi chứ trông mong chi nữa!!! Đã viết cho Thanh 3 lá thư thiệt là dài như 3 áng văn chương trác tuyệt nhưng cái Net Inter có những nồi oái oăm đọc trẹo cả miệng, 3 lần viết, 3 lần Send mà thư không đi được do nghẽn cái Sẹc vơ và chỉ còn lại 1/4 bức thư cuối cùng, Thanh cũng đã nhận được nhưng thói thường 99,99% carbon cũng chỉ là Than thôi; 100% carbon mới là Kim cương bất hoại. Do đó Thanh chẳng hiểu gì cái văn chương trong lá thư đó cả. Ngày xưa: Thanh Minh trong tiết tháng ba, lễ là tảo mộ hội là đạp thanh; Bây giờ: Thanh-Minh gặp gở khó chi, khi thì lên mạng khi thì meo meo. Thanh thì hay nhớ chuyên xưa, Minh thì hay dệt mộng mơ Hương bình, Hương Bình có cái Cô Cô... trăm năm ngó lại cái mô cũng tròn. Cái văn chương kiểu này e dài dòng văn tự lắm, nhưng mà kệ cho nó dài dài một chút cũng được lở đâu mất ví hay bị vợ mắng, con la như Dương Thọ mở ra đọc cũng an ủi, đở buồn được phần nào. Ngày xưa hình như Cụ Tú văn Xương có viết:
Phong lưu nhất ai bằng UNCLE Mán
Trong anh em chúng bạn kém thua xa
Thuở loạn ly bốn bể không nhà
Răng không nhuộm, vợ không lấy, lụa là không mặc
Mán chỉ làm đủ tiền tiêu vặt
Khi cao lâu, khi coffee, khi nước đá
Khi cigarettes, khi đủng dỉnh ngồi xe
Sự đời Mán chẳng buồn nghe...
Đúng thế thật, ngày xưa ở Huế có hai dòng họ, một họ không có nhà, một họ không có dân; nghe qua thì ít ai tin vì trên đời này làm chi có dòng họ nào mà nghèo hèn, neo mạt đến mức như thế, nhưng không phải thế, hai dòng họ này, một họ thật sự không có căn nhà nào, con cháu trong họ toàn sống trong phủ, dinh, lầu các; một họ không có người dân nào. con cháu toàn là quan gia, chức sắc, mới đẻ ra đã là cậu ấm cô chiêu rồi, lớn lên lại được phong quan, phong tướng; buổi sáng thức dậy tìm một tên bạch đinh để nấu ấm nước sôi chế ấm trà uồng chơi không biết tìm đâu cho có, bèn ra ngoài dân gian kiếm tạm mươi tên vào trong hầu hạ, đó là bình về cái khâu không nhà. Còn về cái khâu răng không nhuộm coi như là hiển nhiên không cần chứng minh; Vợ không lấy ừ rằng vợ không lấy, bởi vì không ai thấy; Lụa là không mặc bởi do không ai giặt. Cái việc Mán chỉ làm đủ tiền tiêu vặt chắc là đúng lắm bởi vì xưa nay trong giới phong lưu có ai đi làm đâu, nay Mán phải đi làm thì làm chi cho nhiều, làm đủ tiền tiêu vặt là được rồi, ngày xưa Bạc Liêu Công Tử có làm chi đâu mà cũng đủ tiền tiêu như giặc... Còn các khâu ăn chơi, vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa thì giới con buôn thịt lợn chợ Vị Hoàng đất Nam Định ai mà chẳng biết Mán. Riêng cái khoản Uncle Mán đủng đỉnh ngồi xe và chẳng nghe sự đời thì hơi bị oan, thật ra việc đủng đỉnh ngồi xe không đúng mà tất bật ngồi xe thường xuyên, hằng ngày, và đôi tai thì phải lắng nghe kim cổ, đông tây nam bắc bởi vì nghiệp chướng của Mán là thế, nghiệp của Mán là chở heo thuê cho con buôn tại chợ Vị Hoàng. Như thế chắc quý vị đã rõ rằng văn học văn chương, giọt sương lãng đãng xưa nay nhất quán tâm tình, linh tinh chữ nghiã, mai mĩa Tú Xương, chỉ thương cho Mán.
Bây giờ xin cống hiến cho quý vị màn trình diễn của Mẹ Mốc
Đến bây giờ tôi thật chưa rõ ngọn nguồn vì sao thỉnh thoảng mỗi chiều Cụ Yên Đỗ lại rót 2 ly rượu, cho mình 1 ly mời ông phổng đá 1 ly, Cụ nhấp xong ly của mình, Cụ lại mời ông Phổng, mời ông Phổng xong cụ xin ly của ông Phổng và uống luôn, xong lại khóc, Cụ khóc có nghĩa là Cụ chảy nước mắt chứ không phải khóc hu hu như con nít bây giờ đâu. Không rõ Cụ khóc cái gì, việc gì? tôi phỏng đoán rằng chắc chắn Cụ khóc không phải vì hết rượu, cũng không phải khóc vì đau răng, khóc vì đói bụng; lại càng không phải khóc vì bị vợ càm ràm vì lúc đó Cụ Bà Tam Nguyên đi vắng không có ở nhà. Truy vấn những tiền sự, trung sự, hậu sự có người phỏng đoán Cụ khóc cho vơi những những nhục hình, khóc cho vơi đi những tội tình, đời con gái chỉ cần dĩ vãng, mà em tôi chỉ còn tương lai. Sau đó nước mắt Cụ khô cạn và hình như Cụ bị lòa, thương cho đàn con Cụ đã viết về Mẹ nó rằng:
So danh giá ai bằng mẹ Mốc,
Ngoài hình hài, gấm vóc chẳng thêm ra;
Tấm hồng nhan đem bôi lấm xoá nhoà,
Làm thế để cho qua mắt tục.
Ngoại mạo bất cầu như mĩ ngọc,
Tâm trung thường thủ tự kiên kim
Nhớ chồng con muôn dặm xa tìm,
Giữ son sắt êm đềm cho vẹn tiết.
Sạch như nước, trắng như ngà, trong như tuyết,
Mảnh gương trinh vằng vặc quyết không nhơ,
Đắp tai ngảnh mặt làm ngơ,
Rằng khôn cũng kệ, rằng khờ cũng thây.
Khôn kia dễ bán dại này!
Và thú thật sau khi nghiên cứu bài này, Miên tôi đây bó tay vì theo như ngôn ngữ của Báng Giùi Bùi Tiên Sinh thì ngôn ngữ này là ngôn ngữ của Ngữ Ngôn Bát Nhã, cứng ngắt hơn cả Kim cương làm sao mà giải thích được. Sạch như nước, trắng như ngà, trong như tuyết: đó là vì thuở ấy em vừa thôi kẹp tóc, thuở ấy anh vừa thôi học xong, yêu em, yêu em anh làm thơ, yêu anh, yêu anh em soạn nhạc, về nhà mẹ dạy câu ca mang ra cho nhau nghe nhé, về nhà học lại câu ru mang ra cho nhau ghi nhớ. Còn bây giờ sạch thì phải sạch như nước suối ban mai giữa rừng cơ, trắng thì phải trắng như tấp bả các em chứ không phải như ngà voi, còn trong thì phải trong như pha lê tức là trong như mấy cái ly thủy tinh trong khách sạn 5 stars ấy chứ không phải trong như tuyết. Theo ý Cụ Bùi Kim Cương Bất Hoại thì ý tứ văn chương như thế là như thế, làm sao mà đi giảng đi bình, nói ra xin các cụ bỏ quá đi cho là là như thế này: Ngôn ngữ văn chương có nghĩa là văn chương ngôn ngữ, văn chương ngôn ngữ thì tự chữ mà suy, suy gần rồi lại suy xa, suy cho cho đến lúc mô già thì thôi. Ừ thôi!
Thôi thì thôi, bỏ mặc mây trôi!
Thôi thì thôi nhé chỉ ngần ấy thôi.

Miên.
(Miên tức là tui, tui là Niệm đây chứ không phải Miên là Cao Miên, là Cam Bốt, Vì Cao Miên, Cam Bốt tức thị là Cam Pu Chia, đã là Cam Pu Chia thì liên quan đến việc PônPôt, Iêng Xa Ry phức tạp lắm. Chuyện ni dính dáng đến tòa án Quốc tế cực kỳ nguy hiểm, neo đơn. Do đó kiên quyết Miên không phải là Cam Pu Chia
Miên là Miên Như trời ạ. Còn Miên Như là gì nữa thì xin hồi sau sẽ rõ)./.

Không có nhận xét nào: