Thứ Hai, 12 tháng 12, 2011

Giáng sinh 2011

Chúc một mùa Noel an lành cho mọi người

Con đường kỳ lạ

Thứ Hai, 12 tháng 9, 2011

Bài dành cho người già

Tuổi Già Nên Phiên Phiến Mọi Chuyện...
(Bài được trích đăng từ Mail của Ngài Miên Sơn; tuy hơi dài nhưng cũng có thể rất bổ ích đối với người đọc).
Bạn tôi, có ông tự xưng là Hai Hô bởi răng ông hô. Ông rất thích thú với danh xưng nầy. Ông thường nói rằng ngày xưa còn trẻ, hăng tiết vịt, ai nói gì, đúng hay sai, cũng tìm lời cãi lại. Bây giờ già rồi, nghe ai nói gì cũng thấy xuôi tai, đúng hết bởi già rồi, có nhiều kinh nghiệm, thấy được đúng-sai, có nhiều mặt khác nhau.
Bà mẹ ông đã 92 tuổi mà thường hay nói câu: "Mai mốt, tôi già rồi thì…" Mỗi lần nghe câu đó, ông vội cắt ngang lời mẹ và hỏi lại: "Hơn chín mươi tuổi rồi mà chưa già, hở mẹ ? Thế thì bao nhiêu tuổi mới là già ?" Bà cụ chỉ cười, không đáp lại. Vợ ông thường nháy mắt, nhìn ông, che giấu nụ cười bí mật. Người em ông nói: "Theo tôi thì không có ai già và cũng chẳng có ai trẻ. Già hay trẻ là một khái niệm rất tương đối. Hồi tôi mười bốn, mười lăm tuổi, thấy các chị hàng xóm mười bảy hay mười tám tuổi là đã già khú đế. Già như sắp mua hòm được rồi. Thế mà khi tôi sáu mươi tuổi, tôi thấy các bà năm mươi là trẻ và các bà bốn chục tuổi là bọn con nít.Thế thì già hay trẻ không phải tùy theo số tuổi của họ".
Ông Hai nói có một lúc nào đó, con người trở nên già. Này nhé, mỗi khi đi ra đường, nếu chỉ thấy các bà già nhìn mình mà các cô gái trẻ không dòm mình nữa thì phải hiểu là mình đã già rồi. Lại nữa, mỗi sáng đứng trước gương, thấy trán mình cao hơn, tóc rụng nhiều thì đừng tưởng mình trở nên thông thái mà phải biết đó là dấu hiệu già. Nếu mình thấy mọi người dường như trẻ lại thì chính mình đã già đi vì mình so sánh thiên hạ với cái bóng của mình trong gương soi mỗi ngày.
Ông nói tuổi già báo hiệu khi sinh lý bắt đầu yếu. Nhịp độ 'gần gũi' của vợ chồng thưa dần. Và đôi khi cố gắng làm vừa lòng bà vợ theo định kỳ mà không có hứng khởi. Những khi đó, nếu bà vợ gạt ra, không cho gần gũi thì trong lòng lại mừng húm vì có cái cớ để không làm tròn 'bổn phận' mà không áy náy. Ông nói bực nhất là những lúc mình đang hăng, đang nóng máu, sắp xáp chiến mà bà vợ cứ cằn nhằn về những chuyện không đâu như cái hàng rào bị gió vật nghiêng, cây hoa hồng lá bị bạc mốc, con chó bị rận bọ chét. Thế là cả cái thân già nó xìu xuống như cọng bún thiu ! Chẳng làm ăn chi được nữa cả, đành bỏ cuộc vui nửa chừng. Khi còn trẻ, vào những lúc sắp gay cấn như thế nầy thì dù cho sét nổ trên đầu cũng không nghe, không biết !
Có người hỏi ông sao không dùng viên thuốc thần kỳ làm cho vợ chồng vui như thuở ba mươi. Ông nói đừng tin mà chết sớm, đau tim mà dùng thuốc này thì lăn đùng ra mau lắm. Hồi trước, ông cũng xin ông bác sĩ cho toa thuốc này, bác sĩ ấy không chịu. Ông cũng hơi giận nhưng bây giờ thì cám ơn vì biết được cái nguy hại của nó. Vui chốc lát mà bỏ mạng, lãng nhách ! Theo ông thì vợ chồng già, ghiền cái hơi của nhau hơn là chuyện vật nhau lăn lộn trên giường. Chỉ cần luồn tay vào áo bà vợ già mà tìm trái mướp, cũng đủ làm cho bà ấy dzui dzồi !

Nói về cái tai điếc, ông bảo: "Có một lúc nào đó, mình nghe nhạc, cứ tưởng là các anh chị ca sĩ dạo này không còn hát hay như ngày xưa. Không phải vậy đâu ! Thời nào cũng có ca sĩ giọng hay. Nghe không hay vì cái tai mình đã nặng, lãng rồi cứ tưởng nhạc dở. Ðó là dấu hiệu già. Nhất là khi nghe truyền thanh, truyền hình thì con cái, hàng xóm cứ than phiền mở âm thanh quá lớn. Theo mình, âm thanh như vậy chỉ vừa đủ nghe mà họ bảo oan cho mình là "quá lớn".
Ông Hai nói với một bạn già rằng khi già, lãng tai, điếc tai cũng có cái lợi lớn. Là khi nào vợ nói lời êm ái, dịu dàng, yêu thương thì nghe cho sướng tai. Khi nào bà trở chứng trách móc, chê bai, than vãn, nói nặng lời thì cứ nhè-nhẹ gỡ cái máy trợ thính ra, chỉ thấy bà nhóp nhép cái miệng, trông tức cười lắm ! Không nghe thì không bực mình, không giận hờn mà còn cười, đôi khi nụ cười rất rạng rỡ, cười rất dễ thương nữa. Bà vợ nói như gió vào phòng trống, thấy ông chồng không giận mà còn cười vui thì đành im miệng cho đỡ tốn hơi. Và đôi khi còn thương thêm vì tưởng ông chồng khéo nhịn.
Nhưng một ông bạn khác nói rằng khi bà vợ trách móc và thở than thì để bà ấy nói cho xả ra, nhẹ bớt bực tức trong lòng. Bởi vậy, mỗi khi vợ ông than vãn, trách móc thì ông mừng và lắng nghe. Nếu bà ngưng nói thì hỏi rằng em có gì cần nói thêm, than vãn thêm không, hãy nói cho hết đi, anh nghe đây. Thế là bà dịu xuống và bà cảm thấy hơi quê quê nên thôi.
Ông Hai nói khi già, mắt yếu, cầm cuốn sách lên là móc túi tìm cái kiếng. Không có kiếng thì đành chịu thua. Khi đó, mình ít đọc sách hơn ngày xưa. Rất nhiều bạn ông than phiền rằng dạo này, sách vở, báo chí họ in chữ nhỏ hơn, khó đọc. Không phải đâu ! Mắt mình mờ, kém chứ không phải chữ in nhỏ lại. Mấy anh trẻ hỏi ông có bực mình vì mắt kém không, ông Hai nói rằng: việc chi mà bực, phải mừng chứ đừng bực. Mừng và cám ơn khoa học tiến bộ, giúp cho mình còn thấy rõ hơn, nghe rõ hơn mà nếu mình sống mấy trăm năm trước thì đã mù loà và điếc đặc rồi. Dù cho nghe ít, thấy không rõ hoàn toàn nhưng có thấy, có nghe đã là quá quý rồi. Tuổi đã cao mà còn thấy được người thương yêu, con cháu, bạn bè, còn xem truyền hình, phim truyện thì đã nhận được rất nhiều ân phước của trời ban cho. Phải biết cảm nhận và cám ơn Trời !
Bây giờ, đi đâu xa, ông cũng ngại. Ði du lịch, điều nghĩ đến trước tiên của nhiều người già như ông không phải là cảnh đẹp, điều hay, cái lạ mà nghĩ đến cái cầu tiểu. Không biết nơi đó có hay không (?) Cứ vào quán xá, hội trường thì có thói quen, trước tiên là xem cầu tiểu nằm đâu. Quán nào mà không có cầu tiểu thì đừng hòng có nhiều ông bà già bước vào. Ông rất sợ mai đây xui xẻo, người ta tôn ông lên làm lãnh tụ vì thấy mấy ông lãnh tụ đứng đọc diễn văn, họp báo, duyệt binh, diễn hành, đứng hàng giờ, phải nín tè, khó chịu, mệt và khổ lắm. Ông cũng rất ngại ngủ ở nhà lạ, cứ nửa đêm, nhiều lần mò mẫm trong bóng tối dậy đi tiểu, xối nước ào ào làm người khác mất ngủ. Chưa kể lạ nhà, đêm tối, lạc đường mở lầm cửa phòng vợ, con người ta thì cũng bẽ bàng !

Một lần, bà vợ đè đầu ông xuống mà nhuộm tóc cho ông. Mấy hôm sau, lên xe công cộng, ngồi vào ghế dành cho người cao niên, ông thấy có một 'lão trượng' đứng nhìn ông chằm chằm như ngầm hỏi sao không nhường ghế ngồi cho người già cả. Ông đoán chắc chín mươi phần là 'lão trượng' kia còn nhỏ tuổi hơn ông, ông cứ ngồi lì, làm lơ. Nhưng khi thấy hành khách chung quanh nhìn như thúc dục, như nhắn nhủ bằng ánh mắt khó chịu thì ông nhột quá, đứng dậy nhường ghế cho lão trượng kia. Ông nghĩ không lẽ phải thét lên là tôi còn già hơn lão và không lẽ phải móc căn cước ra mà chứng minh ? Thôi thì đứng dậy cho bớt nhột và ngượng ngùng. Rồi tự an ủi rằng đứng cũng là một cách tập thể dục tốt.
Khi có ai hỏi tuổi, ông Hai Hô cũng tự cộng thêm gần chục năm. Thế là thiên hạ rối rít khen trẻ, xít xoa, hỏi làm sao mà giữ được trẻ trung như thế. Ông cười, nói đùa rằng cứ theo đúng lời dạy vàng ngọc của người xưa để lại là 'đêm bảy, ngày ba' cho khí huyết lưu thông, điều hoà thì cơ thể trẻ trung mãi. Ông nói rằng, nếu có khai trụt đi năm ba tuổi cũng chẳng có lợi ích gì vì mình đâu có toan tính chinh phục, tán tỉnh ai. Khai trụt tuổi, đôi khi người ta còn chê là trông già trước tuổi.
Lại nữa, phong tục của mình là kính trọng người lớn tuổi nhưng các bà, các cô thì khi nào cũng giấu tuổi, cứ 18 tuổi thì khai là 16, khi 20 khai là 18 và lúc 23 khai là 20. Cứ khai trụt vài ba tuổi và cảm thấy sướng khi được người khác tin. Khi phải đoán tuổi phái nữ, ông thường rộng rãi hạ xuống cho các bà, các cô từ năm đến bảy tuổi để họ sướng mà ông không mất chi cả, cũng là làm một điều thiện nho nhỏ trong ngày, làm cho người khác vui, yêu đời hơn.
Dạo sau này, khi ông ăn uống, thường thức ăn bị đổ vung vãi. Nhiều lần ông tự bảo là cẩn thận nhưng hình như cái tay nó không hoàn toàn theo mệnh lệnh của cái đầu nữa. Ðưa cơm vào miệng không gọn gàng, cứ rớt ra vài chút. Ðôi khi tay run mà ông không biết. Ông cho đó là dấu hiệu của tuổi già. Nhiều lần bà vợ ông nhăn nhó, la nạt vì làm đổ thức ăn. Một lần ông nhớ lại câu chuyện đứa bé đẽo cái chén gỗ, cha mẹ hỏi đẽo làm gì, nó nói là để sau này cho cha mẹ ăn như cha mẹ đã cho ông nội ăn chén gỗ. Ông nhỏ nhẹ nói với vợ rằng nhờ bà đẽo cho ông một cái chén gỗ rồi mỗi bữa dọn cho ông ăn sau viả hè, bên thềm. Nghe thế, bà vợ nhìn ông một lúc lâu rồi rưng rưng nước mắt.Từ đó, bà hết cằn nhằn khi ông làm đổ thức ăn. Ông hay quên, đôi khi đi xuống nhà kho mà ngẩn ngơ không biết định xuống để làm gì, quên trước, quên sau. Một bạn già của ông nói nếu 'cái đó' mà ông Trời không bắt dính chặt vào người thì có khối ông già để quên trên xe buýt, trên tàu điện, ngoài công viên và khi cần đi tiểu thì chạy quanh, quýnh lên mà tìm không ra ! Còn triệu chứng khác nữa là làm biếng tắm, đôi khi hai ba ngày ông chưa tắm. Cứ nghĩ là có làm chi dơ đâu mà phải tắm nhưng rồi nhận ra thì tuổi gìà sợ lạnh, nhạy cảm với cái lạnh nên ngại tắm. Vì thế, có nhiều cụ già có mùi, họ đâu biết. Ông phải rán tập thói quen nóng lạnh chi cũng ráng tắm mỗi ngày một lần, ngoại trừ trường hợp đặc biệt.
Bà mẹ ông 92 tuổi đi ăn tiệm, cắn càng cua-rang-muối nghe rau ráu, thực khách trong tiệm tròn mắt ra mà nhìn. Còn ông thì ngay cả bánh mì mềm của Mỹ cũng không dám cắn, dùng tay xé nhỏ ra rồi bỏ vào miệng. Bà mẹ ông ăn uống không kiêng cữ chi cả, thịt heo quay, vịt quay, cá chiên, gà chiên, bún bò giò heo, phở, nước béo, các thứ độc địa đều ăn tuốt. Thế mà bà không cao mỡ, không cao máu dù thân thể tròn quay. Cái đó cũng nhờ trời cho. Nhiều bác sĩ cũng khuyên bà cứ ăn uống thả dàn cho sướng cái miệng, đừng kiêng cữ làm chi nữa khi ở cái tuổi này.
Nhiều ông bạn của ông kiêng khem kỹ lắm, kiêng đủ thứ. Họ xem ba thứ sau đây ngang hàng với thuốc độc: ngọt, mặn và béo. Họ ăn lạt, không dám ăn đường, ăn béo. Thấy đồ chiên là họ đã tái mặt. Họ ăn mãi quen miệng và thấy các thứ thức ăn không mùi, không vị kia cũng ngon bởi khi đói thì cơm thiu, cơm cháy cũng thành ngon. Có kẻ bảo uổng quá, phí thức ngon của trời cho nhưng những người kiêng cữ này nói rằng không tội chi đem chất độc vào người rồi bệnh hoạn, hối không kịp !
Một ông bạn cho biết rằng theo nghiên cứu của đại học Rockefeller thì có ba điều kiện để cho người già khỏe mạnh và ít bệnh là: 1) ăn bằng một nửa của bữa ăn bây giờ, 2) thể dục thường xuyên và 3) làm tình đều đều. Ông không tin và cho rằng cái đó chỉ đúng cho người Mỹ mà thôi. Mỗi bữa, họ ăn miếng thịt to bằng bàn tay, một bữa ăn của họ thì mình có thể ăn ba bốn ngày mà chưa hết. Nếu mình chỉ ăn bằng một nửa của bây giờ thì sẽ suy dinh dưỡng, sớm bị đau ốm mà chết. Còn chuyện thể dục thường xuyên thì đúng trăm phần trăm. Phần làm tình đều đều, có lẽ không ai chắc vấn đề là còn làm được hay không mà còn đòi đều đều. Mình cứ ăn bình thường, đừng ăn quá no, cũng đừng ăn đói. Cứ theo cái đạo trung dung của người xưa đã bày ra từ mấy trăm năm nay: Rượu chè, nếu uống được thì uống vừa vừa, cũng tốt cho sức khoẻ, đừng say sưa là được. Lâu lâu cũng ráng vui vợ, vui chồng cho khỏi lạt lẽo. Ông Hai đã chữa bệnh biếng ăn cho nhiều bạn bè rất công hiệu. Ðó là đừng ăn vặt và chờ cho khi thật đói mới ăn, chưa đói rã thì chưa ăn. Như vậy thì ăn gì cũng thấy ngon.
Ông có quan niệm phóng khoáng hơn về sự sống và cái chết. Ông cho rằng, chết là một tiến trình của đời sống, hợp với luật thiên nhiên của tạo hóa. Sợ chết là vô lý. Không ai tránh khỏi cái chết, không sớm thì muộn. Ai cũng sẽ chết cả. Ngay cả Phật, Chúa, Thần thánh cũng phải chết, huống chi mình là người trần mắt thịt. Chúa Giê-Su chết lúc mới 33 tuổi. Phật cũng chết, thọ không bằng các ông, các bà cụ bây giờ.
Cứ thử nghĩ, nếu già mà không chết thì bây giờ trên thế giới có đến hơn chín mươi phần trăm cụ già, cụ nào cũng mấy trăm tuổi, mấy ngàn tuổi, ho hen, run rẩy, chậm chạp thì lấy ai làm lao động mà nuôi các cụ ? Nhân loại sẽ đói cho vêu mỏ ra. Già thì phải chết để cho thế giới được trẻ trung hoá. Khi nào anh chị nghe tin một người già chết mà lòng không buồn, không thương tiếc thì anh chị được giác ngộ rồi đó. Có chi mà buồn ? Nếu người chết không để lại một gánh nặng gia đình, một đàn con dại cần nuôi dưỡng, dạy dỗ, một bà vợ chân yếu tay mềm thì mừng cho người ta thoát được cái hệ lụy của trần gian. Khỏi lo công ăn việc làm, khỏi lo nhà cửa, khỏi lo thương ghét, ghen tuông, giận hờn, khỏi lo khai thuế cho đúng hạn kỳ. Khoẻ ru ru !
Nếu người chết đã cao tuổi, trong nhiều năm nằm một chỗ, không nói năng, bại liệt, ăn bằng cách bơm qua ống nối với bao tử, nghe họ chết mà mình khóc lóc, tiếc thương, bi ai thì hoá ra là không biết điều. Muốn người ta bị kéo dài thêm cái cực hình đó lâu hơn nữa rồi mới được chết sao ?. Nhiều khi, con cháu mừng cho thân nhân họ được chết mà mình thì sụt sùi thương tiếc.
Ông thường nói trong tuổi già, sức khoẻ là quý nhất. Nhưng nếu ai đó có sức khoẻ tốt, không hề đau ốm thì cũng là một sự nhàm chán. Họ đâu biết họ đang có cái quý báu nhất trong đời. Lâu lâu phải đau vài trận để nhắc nhở và nhớ rằng không ốm đau là sung sướng, là hạnh phúc lắm lắm. Làm sao bọn trẻ và những người khoẻ mạnh biết được cái hạnh phúc, cái sung sướng của người già khi buổi sáng ngủ dậy mà thân thể không đau rêm, nhức nhối ?
Nên quan niệm rằng với sức khoẻ nào cũng tốt cả, đừng so sánh với trường hợp tốt hơn. Cứ vui với cái sức khỏe mà mình đang có. Ðược khoẻ nhiều thì sướng nhiều, khoẻ ít cũng sướng hơn vì chưa đến nỗi tệ hại lắm. Nhớ đi khám bác sĩ đều đều, để khám phá ra bệnh, kịp thời chạy chữa. Một người bạn ông cho biết không dám đi khám bệnh thường niên vì sợ 'bói ra ma, quét nhà ra rác, thế nào bác sĩ cũng tìm ra bệnh này, bệnh nọ trong cơ thể và thêm lo. Cứ để thế rồi khi bệnh nặng thì chết. Bà vợ ông này khổ sở lắm nhưng không thuyết phục ông được. Ông còn nói bác sĩ thường cho uống thuốc chữa bệnh này thì sinh ra thêm bệnh khác nữa. Hoặc bác sĩ chẩn đoán sai bệnh là thường. Có người đọc báo cáo y khoa cho biết trên nước Mỹ, mỗi năm có đến hai trăm ngàn người chết do hoặc thương tật vì bác sĩ kém hiểu biết hoặc sơ suất gây ra.
*
Theo ông Hai Hô thì đừng sợ vì bác sĩ giỏi nhiều hơn bác sĩ dở và bác sĩ có lương tâm nhiều hơn bác sĩ thiếu lương tâm. Ðừng vì một số trường hợp xấu mà sợ đi khám bệnh. Khám bệnh để biết trước mà đề phòng, để chữa trị khi bệnh mới chớm, còn kịp chữa trị dễ dàng hơn. Ðể ung thư ăn tràn lan ra rồi thì chỉ có phép lạ mới cứu được. Người ta có thể mạnh khỏe cho đến khi chết. Ðó là trường hợp hiếm hoi. Nhưng đau yếu trong tuổi già là thường, không đau yếu là bất thường. Có một người than rằng cứ đi vào, đi ra trong nhà hoài, chán quá.
Ông Hai bảo rằng được đi vào đi ra như thế là sướng lắm rồi, sao mà chán vì có nhiều người khác mong được đứng dậy đi vài bước mà không làm được vì bệnh. Nhưng theo ông thì cái người nằm liệt trên giường cũng tìm được cái thú vui riêng khi nghe nhạc, nằm mơ mộng, nghĩ đến các kỷ niệm thời còn vàng son, nhớ đến những tội lỗi nho nhỏ mà họ đã phạm một cách cố ý và thích thú.
Ông Hai Hô tập thể dục đều đặn.Ông nói không ai chối bỏ được ích lợi của thể dục dù già dù trẻ.Không bao giờ trễ để bắt đầu tập thể dục. Không thể dục thì tấm thân nhão nhẹt ra, rất dễ làm mồi cho bệnh hoạn. Ði bộ trong tuổi già là tốt nhất. Còn khoẻ thì đi nhanh, yếu thì đi chậm hơn, yếu hơn nữa thì chống gậy mà đi. Có vận động là tốt. Ði bộ, xương đỡ rỗng, đỡ gãy tay chân khi vấp té.Ði bộ cũng làm cho mặt mày trẻ ra, lưng đỡ còng, thân thể đỡ đau đớn, mệt mỏi. Ði bộ cũng vui, nhất là đi với vợ, với chồng, nói đủ thứ chuyện vui buồn. Nhưng khi bà vợ bắt đầu cằn nhằn vì những chuyện không đâu thì phải giả vờ chạy để bà lại phiá sau cho bà nói với cột đèn, cằn nhằn với cây cỏ.Không có vợ đi cùng thì đi với bà cụ hàng xóm cũng vui. Bà sẽ không bao giờ dám cằn nhằn ông vì những chuyện không đâu. Bà sẽ lịch sự hơn. Ði với bà hàng xóm, ông bảo, đừng sợ thiên hạ hiểu lầm, cũng đừng sợ chính bà ấy hiểu lầm.Không hiểu lầm thì tốt.Hiểu lầm thì càng tốt hơn vì làm cho bà ấy vui, làm bà nghĩ là còn sáng giá, còn có người ngưỡng mộ đến cái nhan sắc mùa thu của bà. Bà sẽ yêu đời hơn, sẽ ăn ngon, ngủ được, thế thì ông cũng đã làm được một điều thiện nho nhỏ.Ông nói ông được nghe chuyện một bà cụ 88 tuổi, bà nói rằng phải đi bộ, phải tập thể dục để chống lại bệnh hoạn. Mỗi ngày, bà đi bộ hơn một giờ. Bà nói rằng:'Mình phải biết tự thương mình. Con cái có thương mình, chúng có thể cho tiền bạc, quà cáp chứ không cho mình sức khỏe được.Mình phải tự lo lấy để mà sống cho vui, sống cho có..chất lượng.'
Ông nói rằng thể dục làm tăng tuổi thọ chứ không làm giảm. Ngoại trừ ham tập, tập quá sức thì lăn kềnh ra mà chết, mau lắm. Bơi lội là tốt nhất, vận động đủ các thứ bắp thịt nhưng tuổi già thường sợ nước, sợ lạnh. Cái gì sợ thì không nên làm, hại cho sức khoẻ, hại thần kinh.
Mỗi lần nghe có người than là mất ngủ, ông thường nói say sưa về bệnh nầy.Theo ông thì những người nầy, đã ngủ đủ, ngủ thừa nên không ngủ thêm được mà tưởng là mất ngủ.Vì ban ngày, họ cứ thấy mệt, mắt ríu lại là ngủ những giấc ngắn. Nên biết, ngủ một giấc chừng 15 phút lúc ban ngày có thể tương đương với một giấc ngủ 1 hay 2 giờ ban đêm. Mỗi đêm, người bình thường chỉ cần ngủ ngon chừng 3 hay 4 giờ là đủ mạnh như gấu bắc cực. Nếu không ngủ ngày thì đêm về, ngủ dễ lắm. Không phải tuổi già là mất ngủ. Bằng chứng cho thấy chó mèo già ngủ li bì, ngủ ngày, ngủ đêm, ngủ liên miên. Người già dư thì giờ, ban ngày ngủ rồi thì ban khó ngủ là chuyện thường.
Ông thường nói rằng đừng sợ mất ngủ. Khi không ngủ được thì dậy đọc sách, viết thư, làm thơ, xem truyền hình, gõ máy vi tính, đọc thư bạn bè,hãy tận hưởng cái thời gian quý báu đang có. Rồi chờ cho thật buồn ngủ, không thức nổi nữa thì vào giường nằm, sẽ ngủ được ngay và ngủ một giấc ngon lành cho đến sáng. Ðừng ép giấc ngủ, ép giấc ngủ sẽ khó ngủ hơn. Cũng đừng uống thuốc ngủ. Ðại kỵ. Uống thuốc ngủ nhiều làm hư hại hệ thống thần kinh. Ðừng nằm nhắm mắt mà đếm cừu, nếu phải đếm thì đếm những người tình cũ thì mau ngủ hơn. Nếu đời chỉ có một hai người tình thôi thì đừng đếm một hai, một hai, không có lợi. Hoặc nằm mà hát trong trí những bài ca du dương, đẹp, gợi nhiều kỷ niệm êm ái, thân thương.
Bà chị ông, cứ than phiền là mất ngủ nhưng khi đi chơi, hễ cứ leo lên xe thì quẹo đầu ngáy khò khò, ngủ suốt buổi, suốt ngày, ngủ mà quên xem phong cảnh. Ngủ như thế thì no rồi, dư rồi nên khi đến khách sạn thì làm sao mà ngủ thêm được nữa. Bà chị nói đi chơi xa sợ mất ngủ. Bà ấy thực sự ngủ nhiều hơn ai cả mà bà tưởng là mất ngủ. Một chị khác than là mất ngủ kinh niên, ghé nhà ông chơi, ông nói là sẽ chữa bệnh mất ngủ cho chị. Ông dẫn chị kia đi chơi, suốt ngày lội bộ, chị vừa đi vừa ngủ gật, ông không cho ngủ. Ông nhờ hết việc này qua việc nọ, không để chị có thì giờ mà ngủ gật. Ðêm không cho đi ngủ sớm. Mới mười giờ đêm, mệt quá, chị năn nỉ xin đi nằm và đánh một giấc ngon lành dài đến sáng hôm sau.
Trong mấy hôm liên tiếp, đêm nào chị cũng ngủ li bì, ngủ ngon, không cần thuốc thang chi cả. Ông truyền bí quyết là không ngủ ngày, mệt mấy cũng không ngủ, ban đêm đừng đi ngủ sớm, phải chờ cho mắt ríu lại, mở không ra mới đi ngủ thì ngủ ngon !
Nhiều người già tự đặt cho họ một kỷ luật để sống. Theo ông thì có kỷ luật cũng tốt mà không kỷ luật lại càng khỏe hơn. Nhiều người tính tình nghiêm khắc, mọi sự đều phải răm rắp đúng như quy định mới chịu. Tội chi vậy, nếu không răm rắp mà không chết ai, hại ai thì răm rắp làm chi cho khổ mình, khổ người ? Nên dễ dãi với mọi sự, dễ dãi với chính bản thân mình, kẻo tội nghiệp nó. Khắc kỷ cũng là điều hay nhưng tội gì mà tự khắt khe với chính mình, người khác không khắt khe thì thôi. Nên cứ xem mọi sự như trò chơi. Chơi vui nhiều thì tốt, vui ít cũng tốt luôn. Ông không mong cái tuyệt đối, hoàn hảo.
Trong một cuộc chơi, ông không hy vọng được tất cả mọi người tham gia, có ít vui ít, có nhiều vui nhiều. Hai ba chục người cũng vui, mà năm bảy bạn bè cũng vui luôn. Nếu hụt một cuộc chơi, một cuộc gặp gỡ, ông cũng không tiếc, chẳng sao cả, ông về nhà mở nhạc, mở TV ra mà thưởng thức. Ông nghĩ, được thêm một dịp nghỉ ngơi, yên tĩnh. Có lần đi trễ máy bay ? Ông bình tĩnh xin đi chuyến sau mà không được. Ông cũng cười, không bực mình, quay về nhà, pha một bình trà, đem một tập thơ ra mà ngâm vịnh, nằm ngửa mà thưởng thức cuộc tranh tài thể thao. Ông nói, đôi khi nhờ trễ một chuyến may' bay mà sống sót nếu máy bay rớt. Chiều ra ngoài quán uống cá phê xem sinh hoạt phố phường. Nói chuyện tào lao với chủ quán, la` dzui !
Ông không bao giờ tranh luận gay gắt với ai. Ông nói, tranh luận làm chi cho mệt, rồi giận nhau ? Trong tuổi già, khi có cuộc tranh luận thì tránh là tốt nhất. Nếu không tránh được thì chịu thua đi, thắng làm chi, để cho đời ngắn lại ? Thắng tranh luận, làm thiên hạ ghét, làm mất lòng bạn, làm người bị thua tứcgiận và nóng mặt, không ưa mình. Không ai ghét người thua trong cuộc tranh luận. Người thắng cuộc,dễ bị ghét hơn. Thử đánh một ván cờ xem, nhường cho đối phương thắng, làm họ vui hơn, không chừng mình đưọc đãi đằng hậu hỉ hơn.
Ðến nhà người ta, mà cãi nhau, tranh thắng, làm họ mất mặt với vợ con, với bạn bè, thì đừng mong chi được tiếp đãi thắm thiết. Khi thua, mình không thiệt thòi, mất mát chi cả, mà lại được thương men', tại sao không chọn tình thương, mà chọn cái bị ghét. Thắng tranh luận, cũng chưa chắc mình đã giỏi hơn người, mà giỏi hơn để làm chi ? Và cũng chưa chắc ngưòi ta đã chịu cái lý của mình là đúng. Trong tình vợ chồng cũng vậy, nhiều ông nhiều bà tranh hơn thua từng ly, từng tí, cãi vả nhau tưng bừng về những điều không ích lợi chi cho ai cả. Rồi giận nhau, nói nặng nhau, làm nhau đau đớn vì lời nói thiếu tử tế, thiếu lịch sự. Có ích lợi gì đâu.Tranh nhau thắng thua, làm sứt mẻ hạnh phúc gia đình, làm mất đi thì giờ quý báu bên nhau, làm không khí gia đình nặng nề. Ðừng bao giờ nói là phải làm cho ra lẽ, không thì hoá 'lừng'. Hãy cứ để cho chồng mình, vợ mình 'lừng' đi, cho họ sướng. Tại sao đi ra ngoài, không dám 'lừng' với thiên hạ, mà về nhà lại 'lừng' nhau làm chi cho mất vui.
Ông thường nói, cứ chịu thua đi là khoẻ nhất. Ông đã thua thì không việc chi mà ai đó gây hấn thêm. Ðúng hay sai, ông tự biết. Không cần tranh luận nhiều. Có tranh luận thì cũng chưa chắc đã thuyết phục được đối phương mà không gây mất mát. Mỗi lần phải tranh luận với ai thì ông nhớ lại chuyện ông Pol Pot. Ông nay` đã giết chết hơn hai triệu dân vô tội, tức khoảng một phần ba dân số Kampuchia của ông thời đó. Thế mà cuối đời, khi sắp chết, ông Pol Pot nói với một phóng viên Tây phương rằng, những điều ông đã làm là lợi ích cho dân tộc của ông. Nhớ chuyện đó, làm ông đỡ ngứa miệng xen vào những cuộc tranh luận.
Khi có ai chê bai ông, ông chẳng bực mình, không giận hờn mà cứ cười, và xem như không. Ông tự nhủ, biết đâu ông cũng đáng chê, đáng trách. Nghe thiên hạ chê, để mà sửa mình, biết mình còn cái chưa hay, sai sót. Không phải ông là kẻ mặt dày không biết xấu hổ, nhưng thiên hạ chê mà không phản ứng, thì như gió qua truông. Có một ông khác, bị vợ chê bai hoài, chê đủ thứ. Ông nầy chỉ cười mà nói với bà vợ rằng, ông không ngờ bà xui xẻo đến thế, lấy phải một thằng chồng tệ hại như vậy, tội nghiệp cho bà quá. Bà vợ nghe mà chột dạ, và biết đã ăn nói quá trớn.
Khi nghe ai khoe khoang, ông cũng không bắt bẻ, không lật mặt thật của họ ra, sợ làm cho họ xấu hổ, bẽ bàng. Ông cứ giả vờ tin, để mà đãi họ vài phút vui sướng, cũng là làm được một việc thiện nho nhỏ. Ông không mất gì, và chẳng thiệt hại cho ai mà cuộc đời nay` thêm vui, thêm tử tế. Bởi nghĩ thế mà ông làm.
Ông Hai Hô quan niệm rằng, trong tuổi già, có hoài bảo thì cũng tốt, mà không có hoài bảo chi cả, thì tốt hơn, và khôn ngoan hơn. Khi trẻ, nhiều thì giờ, nhiều năng lực mà chưa có hoài bão nào làm xong thì khi già rồi, mong chi đạt được. Tội chi đeo vào thân cái hoài bão cho khổ. Già rồi, đừng xem cái gì là quan trọng cả. Từ danh vọng, tiền tài, tình yêu. Ngay cả cái mạng sống của mình, cũng đừng xem là quá trọng. Có lần, ông đến thăm một nhà văn đang nằm thoi thóp, miệng ngậm một cái que gỗ có thấm nước cho đỡ khát, sắp chết vì ung thư. Ông nhà văn còn thao thức vì một tác phẩm để đời chưa khởi đầu được. Chết chưa an lòng. Ông nói: "Thôi bác ơi, chuyện gì mình chưa làm được, thì thế nào con cháu mình sau nay` cũng làm. Yên tâm mà dưỡng bệnh đi".
Ông Hai Hô cho rằng, cứ năm ba ông bà bạn già gặp nhau, uống vài ly trà, cà phê, mà nói chuyện nhảm cũng là một thứ hạnh phúc trong đời. Ông nói, dù đến để nghe thằng bạn già nó chửi mình, cũng cứ dzui, được người ta chửi, tức còn có người để ý đến mình, còn hơn là không ai khen, ai chửi cả. Những dịp ra mắt thơ, ra mắt sách, ông thường tham gia cho cuộc họp thêm xôm tụ. Cho tác giả sướng. Ông khoái các buổi ca nhạc cây nhà lá vườn, tài tử. Nó cũng có những cái hay của nó.
Những buổi họp mặt anh em bạn cũ, ông không bao giờ bỏ qua, ông nói là không tham dự thì uổng lắm. Ông cho rằng, tuổi già mà còn gặp lại được bạn xưa,thì không còn gì quý báu hơn. Nằm nhà xem sách, xem truyền hình, đá banh, đâu vui bằng gặp bạn cũ. Gặp dịp vui thì cứ vui kẻo uổng, biết mình còn sống được bao lâu nữa mà mãi phí ngày giờ chạy theo lợi lộc. Mỗi khi có ai mời đi đám cưới, tiệc tùng, ông đến đúng giờ, mà thiên hạ tà tà đến trễ, ông cũng không bực mình. Bởi người ta quen giờ cao su rồi. Họ có cả trăm ngàn lý do để biện minh. Ông có đến sớm, thì cũng có cái lợi khác, được nói chuyện, gặp gỡ, tâm sự tào lao với những bạn bè mà từ lâu ít có dịp gặp nhau. Cũng vui và quý. Dễ chi có cơ hội thuận tiện để gặp nhau. Ðến khi dọn thức ăn ra, không còn cơ hội để nói chuyện nữa vì ai nấy lo gắp, lo nhai... không rảnh mà nói chuyện. Khi ăn xong thì bạn bè vội vã ra về vì đường xa, vì đêm khuya, vì mệt nhọc. Bởi vậy, ông cứ vui với cái bê bối của thiên hạ, và bằng lòng với câu 'Không ăn đậu la` không phải Mễ, không đi trễ la` không phải Việt Nam.' Ông Tư Hô thường nói, tuổi già, cứ phiên phiến với mọi sự cho khoẻ, cho sướng cái thân già của mình./.

Thứ Ba, 28 tháng 6, 2011

An Dật Viên - Kế Võ

















Kính tặng
Bào huynh Nguyệt Đình

Nửa gánh văn chương nửa gánh tình
Nửa đời tròn hiếu nghĩa nhân sinh
Tô bồi rạng rỡ gia phong Kế
Vun đắp vững vàng hạnh phúc Đinh
Ngoạn cảnh ung dung thơ mấy túi
Làm ăn tín nghĩa tiếng cùng dinh
Văn chương nửa gánh, tình tròn gánh
Mấy ý thơ, thơ kính Nguyệt Đình
Huế 1986
Miên Như

Đáp họa Miên Như
Thư hương un đúc nghĩa ân tình
Nặng gánh cương thường đạo dưỡng sinh
Tiếc chẳng đài son trên độn Kế
Hận không tháp ngọc giữa vườn Đinh
Tài hèn khó nỗi xây lầu các
Sức yếu khôn bề chuyển phủ dinh
Gửi tấm lòng thành lên ngọn bút
Rằng thơ mấy vận tán bi đình
Nguyệt Đình

Thứ Năm, 9 tháng 6, 2011

Thị hiếu trọc phú đang phát triển

Trich từ báo Tuổi trẻ ngày 7/6/2011
Cuộc tranh đoạt làm lú lẫn tâm hồn......

Người Việt mất một nghìn năm để tôi luyện những thửa ruộng bờ xôi ruộng mật có thể cấy trồng lúa nước quanh năm. Chúng ta đơn giản đền bù tí chút cho nông dân rồi san lấp làm nhà máy và sân golf. Tất cả những dòng sông chảy trên đất Việt người ta có thể tắm bơi, giặt giũ, đánh cá... từ thượng cổ cho đến những năm 1970 thì chỉ vài chục năm sau đó chết dần và không ai dám lội xuống nước nữa.
Rất có thể chúng ta tiến đến một xã hội có kinh tế phát đạt nhưng không có văn minh và văn hóa hoặc rất thấp, cái nghịch cảnh này dễ thường đẩy chúng ta xuống toa vét của chuyến tàu nhân loại... Việc phát triển công nghiệp đến từng huyện, khiến cho các khu công nghiệp xen kẽ vào khu dân cư toàn diện, dẫn đến ô nhiễm tất cả và xáo trộn sinh hoạt tất cả... Nếu chủ trương lấy 10-12% đất địa phương làm công nghiệp thì có nghĩa nông thôn mất gần hết ruộng đất, vì đất canh tác cũng chỉ chiếm 1/3 đất thổ canh thổ cư nói chung.
Các làng xã cổ Việt Nam luôn có xu hướng bám theo các dòng sông, khi công nghiệp bám theo làng, thì có nghĩa nước thải công nghiệp cũng tuôn trực tiếp ra sông. Mất ruộng không có nghĩa là người nông dân trở thành công nhân cho các nhà máy, họ chưa bao giờ có kỹ năng và trình độ vào sản xuất ngay, nên một quá trình đô thị hóa bất đắc dĩ bắt đầu với những nông dân thất nghiệp hoàn toàn.
Khi đoạn tuyệt với thổ mộc và phương thức sống tự cung tự cấp, được coi là lạc hậu, nông dân mất hết các kỹ năng sinh tồn truyền thống. Các thầy lang, thầy đồ, thầy cúng, bà mụ... cũng lần lượt ra đi, các trò chơi dân gian cũng tan biến trong thế giới đồ chơi mới.
Người nông dân xưa biết đánh gió, nhặt lá xông giải cảm, tự chữa đau bụng, đầy hơi, ghẻ lở, viêm thận, viêm loét dạ dày, gãy xương... bằng các phương thuốc truyền thống phổ cập. Nhưng hiện tại họ là những người mù tịt về y học dù sơ đẳng... Cố gắng vươn lên thế giới vật chất như người thành phố, ở nông thôn từng gia đình đã có xe máy, tủ lạnh, tivi, quạt máy, thậm chí ôtô, và các máy móc nông cụ...
Có cả một ngành sản xuất hàng tiêu dùng giá rẻ chất lượng thấp cho nông thôn. Nhập ngoại là hàng biên giới Trung Quốc, nội là hàng do chính các tổ hợp sản xuất nông thôn tự phát và trốn thuế. Quần áo hàng chợ, xe công nông tự lắp, bia hơi tự nấu, nước giải khát pha chế bằng hóa chất, bánh kẹo thứ phẩm.
Ngược lại nông thôn cũng tuồn ra thành phố những hàng hóa chết người của mình. Đó là thịt gia súc nuôi bằng thức ăn tăng trọng, rau hoa quả biến đổi gien và tắm tưới với thuốc bảo quản thực vật, đúng hơn là thuốc lưu cữu độc hại. Cái giá phải trả trước tiên từ nông thôn khi bệnh ung thư, viêm gan, viêm phổi cấp, huyết áp... rất phổ biến mà trước kia người nông dân không hề biết đến.
Lê Quý Đôn viết: Lưu cái khôn khéo thừa không dùng hết để trả cho tạo hóa, lưu bổng lộc thừa không tiêu dùng hết để trả cho triều đình, lưu tài hóa còn thừa không dùng hết để trả cho bách tính, lưu phúc trạch còn thừa không hưởng thụ hết để trả cho con cháu (Kiến văn tiểu lục, Châm cảnh).
Xu hướng chung của người Việt hiện tại là làm thật nhiều của cải tiền bạc cho mình và cho con cháu... Nhưng cái phương thức để lại của cải cho con cháu bằng tiền mặt như hiện nay thật là có vấn đề... Một cuộc tranh đoạt và rượt đuổi theo tiền đang diễn ra với tốc độ chóng mặt làm lú lẫn hết mọi tâm hồn. Đó không phải là cách lưu phúc trạch cho con cháu. Vì lao động của chúng ta không tạo ra thu nhập lớn thế, vì rất nhiều tiền của thu được là bất chính và cái giá phải trả của kho trời đất sẽ hết sạch trong tương lai gần.
Trích Văn minh vật chất của người Việt

“Khi tôi viết những trang cuối cùng của cuốn sách này cũng là lúc người Việt đang sôi lên vì kiếm tiền, kiếm việc làm và mua sắm bất tận. Hằng ngày tôi ngồi ở một quán nước ngoài đường và nhìn những dòng xe lúc chạy rầm rầm đến chóng cả mặt, lúc chen chúc nhau đến mức người và xe lèn đầy đường không thể đi được nữa trong hàng giờ.
Tôi tự hỏi vì sao người ta ra đến nông nỗi này, vì sao vật chất mà ta sử dụng không còn có ý nghĩa văn minh nữa mà chỉ là một đồ vật hữu dụng thuần túy. Xưa kia người theo học thuyết Lão Trang cho rằng cơ giới sẽ sinh ra cơ tâm, càng nhiều phương tiện con người càng xa với bản thể của mình. Những người theo Phật Thích Ca thì mặc áo nột tử trên người chỉ có mỗi cái bát khất thực.
Nhưng ngay cả tôn giáo ngày nay cũng thay đổi, các nhà tu hành đi ôtô, dùng vi tính và ăn mặc rất sang trọng thì chúng sinh tại sao lại phải khổ hạnh. Cái lý tưởng xã hội thời Nghiêu Thuấn, đi ngủ không nhà nào đóng cửa, ra đường không ai nhặt của rơi có lẽ đã quá xa vời như quá khứ của con người vậy”.
PHAN CẨM THƯỢNG

Thứ Tư, 18 tháng 5, 2011

Tiến sĩ kinh tế và người thổ dân

Chuyện kể rằng:
Một hôm có một vị tiến sĩ kinh tế gặp người thổ dân đang ngồi câu cá.
TS: - Hằng ngày ông ngồi câu cá bao lâu?
TD: - Tôi chỉ ngồi câu một buổi.

TS: - Thế ông câu cá có đủ sống không?

TD: - Tôi câu được khoảng 10kg cá và đủ nuôi sống vợ con.

TSKT: - Thời gian còn lại ông làm gì?

TD: - Buổi chiều tôi chơi với vợ con, buổi tối tôi vào xóm làm vài be với bạn bè, sau đó về ngủ.

TS: - Vậy tôi khuyên ông nên đi câu cá cả ngày!

TD: - Để làm gì?

TS: - Ông câu 1 buổi để nuôi sống vợ con và 1 buổi đem bán lấy tiền tích lũy vốn liếng.

TD: - Tích lũy vốn để làm gì?

TS: - Khi có vốn, ông chỉ cần thuê người câu cá và gom lại đem bán để kiếm lời nhiều hơn.

TD: - Kiếm lời nhiều hơn để làm gì?

TS: - Khi có nhiều tiền, ông sẽ được thong thả chỉ làm việc một buổi, thời gian còn lại ông chơi với vợ con và giao lưu với bạn bè.

TD: - Hiện nay tôi chỉ làm việc một buổi và thời gian còn lại dành cho vợ con và bạn bè mà!!!
TS: - Ồ, vậy hả!

Thứ Hai, 16 tháng 5, 2011

Nải chuối



Nải chuối
Phan Văn Hiền

Trước khi nhận nhiệm sở ở Tây Nguyên , tôi thường nghe ba tôi kể về vùng đất Ban Mê nắng gió đất đai mầu mỡ phì nhiêu, người sơn cước gùi con lên nương rẫy…Mãnh đất người Pháp mộ phu để xây dựng đồn điền trồng nhiều cao su, cà phê… Nhiều người miền xuôi đã không đã không bao giờ được trở về vì bệnh sốt rét rừng .
Tôi nhớ ngày đầu tiên đặt chân lên xứ “Buồn muôn thuở”, chiếc xe ngựa gõ móng lóc cóc trên mặt đường nhựa loang lỗ chứng tích của chiến tranh đưa tôi về trung tâm thị xã. Hoa dã quỳ nở vàng rực hai bên đường che lấp bụi đỏ phủ đầy những lùm gai hoa trinh nữ.
Tôi được phân công giảng dạy tại trường cấp ba, ngay tại trung tâm thị xã, ngôi trường mà cho đến bây giờ đối với tôi vẫn còn đầy ắp nhiều kỹ niệm…
Một buổi sáng từ quán cà phê Đồng Xanh trở về trường, tôi đi chậm lại phía ngoài khu chợ Ban Mê (chợ nhỏ) trên góc đường Phan Bội Châu và đường Lê Hồng Phong, la liệt cây trái đặc sản của vùng cao nguyên, mít, bơ… và nhiều nhất là chuối, vựa chuối mọi nơi đổ về…
Bụng đang trống rỗng, tôi bước vào quầy chuối chỉ vào nải đẹp nhất:
- Mấy ri bác ?
- Hai hào (hối đó một ly cà phê quốc doanh chỉ hai hào rưỡi)
Không đủ tiền nên tôi hỏi:
- Có nải nào rẻ hơn không bác?
Người bán chuối lấy đưa cho tôi nải chuối hơi chín rục vỏ bắt đầu lấm tấm đen, cột vào một sợi bẹ chuối khô để làm quai xách.
Thỉnh thoảng các thầy cô sống tập thể như tôi về chợ mua ít thực phẩm, trái cây rẽ tiền để cải thiện bữa ăn.
Tóc tôi để hơi dài, khoác chiếc bờ lu sờn cũ lang thang ung dung đếm bước rẽ qua đường Y Jút về khu tập thể trường, tay xách nải chuối chín vàng không biết trái sẽ rụng lúc nào.
Bỗng có tiếng gọi to trong trẻo đằng sau như thản thốt:
- Trời ơi! Thầy..!
Tôi dừng lại nhìn về phia sau
- Ôi H! …em đi đâu đây?
- Em đến nhà bạn mượn vở chép bài, mà thầy xách cái gì vậy trời, đưa đây em.
Tôi không đồng ý
- Thôi để Thầy cũng được, thầy đang trở về trường.
- Để em.
Vừa nói xong H dành lấy nải chuối và nói một cách quả quyết.
- Khi nào thầy nói với tụi em, tụi em mang lên tận trường, bữa ni thầy đừng xách nải chuối như thế này nữa nhé
Tôi hơi ngạc nhiên:
- Sao vậy ?
- Kỳ lắm thầy ơi!
H dành lấy nải chuối cùng bước song song bên tôi rẽ qua đường A Ma Trang Lơng, băng qua bùng binh ngả sáu. Dòng người qua lại thưa dần, ánh nắng ngập tràn, trên vầng trán thông minh của H lấm tấm vài giọt mồ hôi
H kể chuyện huyên thuyên không ngớt, lớp giờ thầy Quyết, thầy Bá Hùng, thầy Nhu thầy Bạch Văn Minh…
Tôi ít chú ý những lời H nói, vì tôi đang mãi mê “lý giải” hiện tượng khi người thầy xách nải chuối đi trên phố thì “chân lý” nào sụp đổ và “chân lý” nào sẽ lên ngôi! Thôi phó mặc cho đời…, thỉnh thoảng tôi nhìn sang H hồn nhiên đi bên tôi với nải chuối trong tay… tôi ngoẽn miệng cười vui vẻ.

Thứ Hai, 9 tháng 5, 2011

Cambodia


Kỷ niệm chuyến thăm Angco Vat

Thứ Năm, 5 tháng 5, 2011

Giọt sương

Giọt sương đậu mái trà đình
Nửa đêm tỉnh giấc hỏi mình tan chưa!

Chủ Nhật, 17 tháng 4, 2011

Thư pháp thơ Viễn Khánh




Em

nghịch gió

em thả diều

Chẳng ngờ câu được bóng chiều về theo

Thứ Năm, 14 tháng 4, 2011

Nhớ rừng

Thơ Thế Lữ
Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt
Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua
Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ
Giương mắt bé giễu oai linh rừng thẳm
Nay sa cơ, bị nhục nhằn tù hãm
Để làm trò lạ mắt, thứ đồ chơi
Chịu ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi
Với cặp báo chuồng bên vô tư lự
Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ
Thuở tung hoành hống hách những ngày xưa
Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già
Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi
Với khi thét khúc trường ca dữ dội
Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng
Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng
Vờn bóng âm thầm, lá gai, cỏ sắc

Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc
Là khiến cho mọi vật đều im hơi
Ta biết ta chúa tể của muôn loài
Giữa chốn thảo hoa không tên, không tuổi
Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan
Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn
Ta lặng ngắm giang sơn ta đổi mới
Đâu những bình minh cây xanh nắng gội
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng
Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt
Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật
- Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu
Nay ta ôm niềm uất hận ngàn thâu
Ghét những cảnh không đời nào thay đổi
Hoa chăm, cỏ xén, lối thẳng, cây trồng

Dải nước đen giả suối, chẳng thông dòng
Len dưới nách những mô gò thấp kém
Dăm vừng lá hiền lành, không bí hiểm
Cũng học đòi bắt chước vẻ hoang vu
Của chốn ngàn năm cao cả, âm u
Hỡi oai linh, cảnh nước non hùng vĩ
Là nơi giống hùm thiêng ta ngự trị
Nơi thênh thang ta vùng vẫy ngày xưa
Nơi ta không còn được thấy bao giờ
Có biết chăng trong những ngày ngao ngán
Ta đương theo giấc mộng ngàn to lớn
Để hồn ta phảng phất được gần ngươi
- Hỡi cảnh núi rừng ghê gớm của ta ơi!!!

Thứ Hai, 11 tháng 4, 2011

Thư pháp thơ Trần Phan

Kìa em một lọn tóc thề

Ru tôi cả một đời mê mãi tìm...

Thứ Hai, 21 tháng 3, 2011

Thứ Sáu, 21 tháng 1, 2011

Bến vắng

Kính tặng
Các tiền bối Bến thơ
Hoàng Quân - Nguyệt Đình
Mạnh Hồ - Viễn Bào


Chiều đông nắng nhạt bến sông thơ,
Không gian vời vợi gió vu vơ,
Thuyền ai từng chiếc neo bờ vắng,
Thiếu Nguyệt, dòng Hương lặng thẫn thờ.

Cô gái Huế xưa đã lấy chồng,
Tóc vẫn buông dài quá nửa lưng,
Xa xăm ánh mắt buồn dìu dịu,
Vẫn dáng duyên mai đẹp não nùng.

Trách ai hờ hững đã bao năm?
Từ thuở trao nhau ánh trăng rằm,
Mong manh tựa chiếc vàng chưa rụng,
Thương bóng hao gầy, thương mảnh trăng.

Con đò năm ấy đã về đâu?
Chở khói sương thu vọng tiếng sầu,
Mây lạnh chiều buông bên xứ lạ,
Ai thầm trăn trở suốt canh thâu!

Bến vẫn chờ mong khách hữu tình,
Trời sao bát ngát tỏa lung linh,
Bập bềnh mây trắng con thuyền nhỏ,
Đâu bến sông xưa những bóng hình!

Miên Như