Thứ Sáu, 12 tháng 11, 2010

Kỹ nữ và kỹ viện

Kỹ nữ và kỹ viện
19/11/2010 8:23
(Bài này được chép từ Báo Thanh Niên của tác giả Vũ Đức Sao Biển, treo đây ai rãnh thì đọc cho biết)
(TNTS) Thời xưa ở Trung Quốc chỉ có rượu chứ chưa có bia. Khái niệm bia (beer - tiếng Anh và bière - tiếng Pháp) là do người phương Tây tạo ra, nhằm chỉ một loại rượu nhẹ có gas nấu từ lúa mạch ướp hoa houblon để uống giải khát. Người Trung Quốc căn cứ vào tính chất này, gọi bia là khí tửu - rượu có gas. Vậy bia cũng là rượu, một thứ rượu nhẹ.
Đất Trung Quốc rộng lớn, đa sắc tộc, nhiều vùng giá rét từ mùa đông cho tới giữa mùa xuân. Để chống giá rét nhanh nhất, người ta uống rượu. Do vậy, rượu ở Trung Quốc phong phú về chủng loại, tên gọi, cách chưng cất, cách uống. Rượu góp phần làm nên ngũ châu (năm châu) của Trung Quốc. Người Trung Quốc thường nói: “Ăn ở Quảng Châu, chơi ở Hàng Châu, gái ở Tô Châu, rượu ở Quý Châu và chết ở Liễu Châu”.
Bởi có nhiều chủng loại rượu nên có nhiều khu ăn chơi ra đời. Tất cả đều được gọi chung là viện. Phần lớn người uống rượu lại là đàn ông cho nên nơi nào đưa đàn ông ra phục vụ rượu cho khách là thất bại. Phải là phụ nữ, mà là phụ nữ trẻ đẹp, có ngoại hình, có tài năng đàn ca thi phú mới hấp dẫn đàn ông. Ngôn ngữ Trung Quốc gọi những cô gái trẻ ấy là kỹ nữ (hay thương nữ).
Kỹ nữ được xem là một nghề trong xã hội phong kiến Trung Quốc. Nghề ấy gồm ba hoạt động: ca hát hoặc kể chuyện cho khách nghe, phục vụ rượu cho khách uống, ôm ấp khách và bán dâm cho khách nếu hai bên cùng muốn. Sử ký Tư Mã Thiên cho biết thời Xuân Thu, Tề Hoàn Công muốn binh lực nước Tề hùng mạnh để xưng bá. Quản Trọng (Quản Di Ngô) bèn tổ chức trên 700 nhà chứa cho gái bán rượu và bán dâm, lấy nguồn lợi nhuận đó tân trang binh lực. Cho hay, một đế chế hùng mạnh đã từng được xây dựng bằng khu vực A zone dưới huyệt Đan điền của phụ nữ! Ta có thể kết luận nghề kỹ nữ có từ thời Tề Hoàn Công.
Ở thế kỷ thứ 7, nhà thơ Lý Bạch viết:
Phong xuy mãn điếm liễu hoa hương.
Ngô cơ áp tửu khuyến khách thường.
(Gió đưa hương liễu đầy nhà,
Gái Ngô rót rượu thiết tha chào mời).
Gái Ngô là phụ nữ vùng Giang Nam, nổi tiếng xinh đẹp. Họ đang bán… bia ôm đấy.
Xin quần hùng đọc Thanh Niên tuần san chớ coi thường kỹ nữ bia ôm rượu ôm ngày xưa! Họ có thể là con nhà giàu, nhà sang, nhà nghèo có phẩm hạnh nhưng sa cơ lỡ vận bị bán vào kỹ viện. Phần lớn họ là những người phụ nữ thật sự xinh đẹp và tài hoa. Cá biệt, có những người chỉ đàn ca, chỉ cho khách ôm chứ không bán thân ngủ với khách.
Kim Dung cho biết cách tổ chức các kỹ viện rất chặt chẽ. Trong một viện - cỡ như Lệ Xuân viện thành Dương Châu của Lộc Đỉnh ký, người đứng đầu được gọi là má má (viện trưởng). Dưới tay má má có quy nô - những tay đàn ông chuyên dụ dỗ tìm kiếm gái về và sẵn sàng đánh đập nếu gái không chịu tiếp khách. Trong viện, còn có các mụ dầu - chuyên môi giới mại dâm.
Lộc Đỉnh ký mô tả thành Dương Châu (tỉnh Triết Giang) là chốn có nhiều kỹ viện nhất thời Khang Hy. Vi Tiểu Bảo xuất thân từ Lệ Xuân viện bởi mẹ y - bà Vi Xuân Phương là kỹ nữ già, ít khách nhất trong viện này. Mới 13 tuổi, y đã có tham vọng trở thành người giàu sang, mở thêm Lệ Hạ viện, Lệ Thu viện và Lệ Đông viện để cạnh tranh cho Lệ Xuân viện sập tiệm rồi đời. Mười tám tuổi, y trở về Dương Châu thăm mẹ, dẫn theo bảy cô vợ sắc nước hương trời. Bà mẹ ấm ớ nghĩ với cái dàn gái này mà con trai bà lập nên một kỹ viện thì tất cả kỹ viện khác ở Dương Châu sẽ trở thành… chùa bà đanh!
Thành thị phồn hoa có nhiều kỹ viện không nói làm gì. Lạ nhất là trong vùng núi non, trong hóc bà tó cũng có kỹ viện. Tiếu ngạo giang hồ nói dưới chân núi Hành Sơn có Quần Ngọc viện rất lộng lẫy. “Playboy” Điền Bá Quang đã vào ngủ với gái trong viện này và đánh nhau với Dư Thương Hải - đạo gia chưởng môn phái Thanh Thành. Hắn khen: “Viện Quần Ngọc dưới núi Hành Sơn còn lắm vẻ phong lưu”.
Núi Thiếu Thất (Hồ Nam) có chùa Thiếu Lâm - nơi thanh tu rực rỡ nhất của các nhà võ học Trung Quốc. Thế nhưng, dưới chân núi này cũng có kỹ viện! Vi Tiểu Bảo trong vai Hối Minh thiền sư, đang làm phó trụ trì chùa Thiếu Lâm nhưng chịu không nổi, phải hóa trang xuống đây ôm một tí. Đang lúc hắn cao hứng sờ tí ngực, véo tí đùi thì lại bị hai cô gái cầm đơn đao vây hai cổng trước sau, đòi chém. Hắn sợ chết, bèn tung tiền nhờ các kỹ nữ chửi rủa hai cô, lại lấy quần áo và tóc giả của kỹ nữ đội vào. Rồi hắn hô lên một tiếng cho các kỹ nữ chạy ra hai cổng. Hắn diễn màn Ô quy thoát xác (Rùa đen cởi lốt), trà trộn chạy về được tới chùa Thiếu Lâm mà vẫn tim đập chân run.
Những người đàn ông có văn bằng cử nhân đạo đức học trở lên và các cô gái nhà lành đều coi kỹ viện là nơi nhơ nhớp. Họ gọi những kỹ nữ là con người “xuất thân từ chốn phong trần”. Thế nhưng nói thì nói vậy mà lắm khi, người ta phải… vào kỹ viện. Tiếu ngạo giang hồ xây dựng một tình huống ngộ nghĩnh: tiểu ni cô Nghi Lâm trong trắng như ngọc phải vào Quần Ngọc viện để cứu mạng ân nhân của mình là Lệnh Hồ Xung.
Dư Thương Hải quyết bắt Nghi Lâm để hạ nhục phái Hằng Sơn. Lệnh Hồ Xung phải đánh một nước cờ nguy hiểm, bảo cô nằm trên giường đắp chăn lại. Rồi hắn lấy tóc cô gái nằm bên cạnh phủ qua cái đầu trọc lóc của Nghi Lâm. Dư Thương Hải vào phòng, giở chăn ra coi, thấy hai cô gái có tóc thì thất vọng muôn phần. Lệnh Hồ Xung còn đánh một nước cờ cân não: “Ngươi muốn nhìn thấy gái khỏa thân không?”. Dư Thương Hải bèn phải đắp chăn lại.
Kỹ viện đôi khi trở thành nơi cứu được người anh hùng. Mao Thập Bát bị quan binh nhà Thanh truy nã, phải trốn vào Lệ Xuân viện thành Dương Châu. Lệnh Hồ Xung bị đệ tử Thanh Thành gây trọng thương, phải trốn vào Quần Ngọc viện dưới núi Hành Sơn.
Kỹ nữ làm nên nguồn cảm hứng trong thi ca. Đỗ Mục bị đày xuống Dương Châu. Nhà thơ tài hoa phải sống với một kỹ nữ. Ông ôm lấy cái lưng thon nhỏ của người đẹp mà làm bài Khiển hoài danh tiếng:
Lạc phách giang hồ tái tửu hành,
Tiểu yêu tương tế chưởng trung khinh.
Thập niên nhất giác Dương
Châu mộng,
An đắc thanh lâu bạc hạnh danh.
(Lưu lạc giang hồ đã bấy lâu,
Ôm lưng thon nhỏ sống bên nhau.
Mười năm, một giấc Dương
Châu mộng,
Mang tiếng trăng hoa nghĩ lại sầu).
Bạch Cư Dị bị đày đi làm tư mã Cẩm Giang, gặp cô kỹ nữ tài hoa chơi đàn tỳ bà mà cảm hứng viết ra bài Tỳ bà hành danh tiếng. Nhà thơ phải mời ngàn lần, vạn lần cô mới xuất hiện.
Thiên hô, vạn hoán thỉ xuất lai.
Do bão tỳ bà bán già diện.
(Muôn lần mời mọc mới ra,
Ôm đàn che nửa mặt hoa thẹn thùng).
Nhà thơ Ngô Mai Thôn gặp kỹ nữ Trần Viên Viên, say đắm mà viết thành Viên Viên khúc - bài trường ca danh tiếng cuối Minh đầu Thanh. Danh sĩ thì yêu giai nhân, đàn ông thì phải yêu phụ nữ, anh thì phải yêu em; đạo lý trên đời là vậy.
Ai cũng có quyền sống, có quyền mưu cầu cơm áo cho mình, cho gia đình. Những bạn gái nghèo, những bạn gái sa chân lỡ bước sẽ sống ra sao nếu họ không tìm một phương để kiếm sống. Nếu họ có bán thì họ chỉ bán cái mà họ có, không phương hại đến ai.

Vũ Đức Sao Biển

Thứ Ba, 2 tháng 11, 2010

Khánh Ly và Huế

Đăng lại từ mail do Phan Văn Hiền gửi. Nỗi Buồn Nhớ Quê Hương - tâm sự của Khánh Ly

Tôi là gái Bắc, lớn lên ở Sài Gòn, nhưng lạ lùng làm sao, tôi không nhớ Hà Nội bao nhiêu. Không yêu Sài Gòn nhiều lắm. Mà chỉ xót xa đến Huế, Huế nghèo. Thành phố chỉ có vài con đường chính. Huế nóng cháy da, mềm thịt. Huế lạnh buốt, lạnh từ lòng lạnh ra. Dường như Huế chỉ thực sự huyền ảo, đẹp, nên thơ bời những nghệ sĩ khi viết về quê hương của mình. Có lẽ đó là điều dĩ nhiên của mọi người, mọi miền khi viết về nơi mình đã được sinh ra. Âu cũng không phải là điều làm cho ta ngạc nhiên.
Nhưng không phải vì những điều người Huế viết về Huế đã làm tôi yêu Huế. Vì nếu như vậy thì tôi phải yêu Hà Nội nhiều hơn mới có lý. Phải yêu Sài Gòn nhiều hơn, phải yêu Đà Lạt hơn mới phải. Vậy mà tôi yêu Huế,thỉnh thoảng gặp lại một vài người bạn, tôi năn nỉ "mi" "noái" cho tau nghe chút cho đỡ "dớ". Con gái Huế nói như hát, dịu dàng, đi đứng khép nép nhẹ nhàng. Có một cái gì thật mong manh, như tơ, như sương, khói, như một điều không có thật trong con người của các cô gái Huế. Tôi có cảm tưởng họ không phải là sự hiện hữu. Một chút hương khói hư ảo chập chờn. Chỉ một tiếng động khẽ dù là tiếng rơi của một chiếc lá, cũng đủ làm tan biến đi tất cả. Mười ba năm qua, chỉ xin nói cho nghe vài câu cho đỡ nhớ "nhà". Như thế là yêu đấy, nhiều mới khổ chứ. Dù tôi chỉ biết Huế sau Tết Mậu Thân và không quá 10 lần ghé Huế. Nhưng tôi yêu Huế bởi từ Huế tôi mới biết thế nào là tình yêu. Tôi không muốn nhắc đến, những điều đã được viết quá nhiều về một nơi chốn. Tôi chỉ muốn viết về "Huế của riêng tôi", và như vậy cũng có nnghĩa là mở ra cánh cửa của kỷ niệm, của những huân hoan đau đớn, những ước mơ không thành, những dằn vặt ám ảnh, đeo đuổi tôi trong suốt 13 năm qua . Mười ba năm trước đã không thành, không nói. Thì bây giờ lẽ ra càng không nên nói. Bởi vì dù có thêm 100 năm nữa "Hai mái đầu xanh giờ đã bạc" cũng chẳng còn bao giờ gặp lại nhau. Nếu có chăng nữa, thì cũng là kiếp sau. Nhưng "Tình tưởng đã yên mà tâm còn động vọng". Thì ra 13 năm với tôi vẫn còn là cơn mộng. Chưa thoát ra được. Không thoát ra được. Không muốn thoát ra. Còn cố gắng bao che, tự lừa dối mình. Chỉ là một cơn mộng. Đêm sẽ qua, mộng sẽ tàn. Ta sẽ tỉnh. Thấy tóc vẫn xanh với lời dặn xưa "Qua đèo Hải Vân, nhớ cột tóc, kẻo gió bay nghe em". Mộng đã tàn. Tôi đã tỉnh với đau đớn. Thì thầm một mình "khóc đi chứ". Còn khóc được là biết mình còn sống, còn khóc được là biết Huế còn đó trong trái tim, trong tận cùng đáy sâu thống khổ, khốn cùng của một kiếp người mà hạnh phúc cùng đồng nghĩa với bất hạnh. Tôi vốn là một đước trẻ mồ côi cha. Cha tôi chết trong trại Đầm Đùn sau 4 năm giam hãm. Học hành dở dang, vài năm trường tây, vài năm trường ta. Trường học chẳng dạy tôi điều gì. Gia đình chẳng dạy tôi điều gì. Nên tôi tự dạy tôi ra đời năm 16 tuổi. Đi hát nhưng không bao giờ nghĩ mình lại trở thành ca sĩ. Hát vì thích hát. Điều này tôi hoàn toàn bị ảnh hưởng bởi ông bố có nhiều nghệ sĩ tính nhưng lại đi theo kháng chiến và chết đau thương trong lao tù. Không có tình thương của cha, không hợp tính với mẹ. Ngoài ý thích được hát, tôi không biết mình phải làm gì. Đời sẽ cho tôi những gì và tôi sẽ có được những gì. Tôi quờ quạng sống lang thang giữa đám bạn bè tốt bụng, nay đứa này cho bịch gạo, mai đứa kia cho nửa chai nước mắm. Nghèo mà vui tôi không buồn vì nỗi bị gia đình hắt hủi, từ bỏ. Tôi như một thằng con trai, giữa đám bạn trai. Tuy không có cái cảnh vườn đào kết nghĩa nhưng cho đến giờ đây, gần 30 năm qua, có đứa đã ra đi mãi mãi, có đứa nửa điên nửa dại, có đứa nhà cao cửa rộng, vợ con đề huề. Thỉnh thoảng gặp lại, tưởng như 30 năm chỉ là một ngày. Cũng tưởng đời sẽ lêu bêu mãi cho đến ngày cuối, nhưng nếu định mệnh là điều có thật, thì điều đó đã đến với tôi một đêm mưa tại Đà Lạt. Dáng người mảnh khảnh, cặp kính trắng tròn, gọng đồi mồi, cặp mắt bồ câu, vầng trán rộng, sống mũi thẳng, nụ cười đẹp, tươi với chiếc răng khểnh, người con trai đó nói với tôi bằng giọng Huế. Dân Đà Lạt, đa số nói tiếng Huế tuy hơi lai, nhưng Sơn là "Huế chay". Sơn với hai bàn tay gày guộc, những ngón tay dài tài hoa, chắp cho tôi đôi cánh, xỏ vào chân tôi đôi hia bảy dặm. Cô bé lọ lem lột xác. Lột xác để từ một đoạn trường này bước sang một đoạn trường khác.
Từ Sơn, tôi đã thành danh, nhưng đó cũng chưa hẳn là điều tôi mong muốn. Tôi có cảm tưởng như vậy. Có phải đời sống là như thế hay sao? Thế là đủ hay sao? Nếu thiếu thì thiếu cái gì và tại sao thiếu? Đời sống tầm thường thế thôi sao? Một đứa trẻ mồ côi, bị gia đình hắt hủi - luôn luôn thèm một mái ấm gia đình, một lời nói ngọt ngào của mẹ, thèm từ một cái áo, một đôi giày. Mà phải là gia đình nghèo khó gì cho cam. Chỉ vì ... đúng là tôi sinh ra dưới một ngôi sao không mấy đẹp.
Lúc sống lang thang như một người lãng tử, tôi thường tự hỏi mình nhu cầu gì cho đời sống. Sống trong đời sống mình phải có những gì? Tình, tiền, danh vọng? cho đến lúc nghĩ rằng mình đã có đủ những điều mơ ước, tôi vẫn luôn luôn âm thầm. Hình như không phải như mình nghĩ. Cuộc sống, đời sống, con người sống trong đời chỉ tầm thường thế sao?
Một hôm tôi hỏi Sơn: Sống trong đời sống mình cần phải có gì? làm gì? Sơn cười ngón tay dài khẽ đẩy cái gọng kính đang trễ xuống. Câu trả lời ngắn gọn: Cần có một tấm lòng. Tôi nhìn Sơn: "Một tấm lòng?" ở giữa thế kỷ này, giữa thời gạo châu củi quế, giữa thời giá trị của một con người được đánh giá bởi áo quần, nhà cửa, vòng vàng, hột xoàn... Một tấm lòng để làm gì? Sơn nhìn tôi, ngón tay lại đẩy cao gọng kính. "Sống trong đời, ta luôn luôn phải sống với một tấm lòng, phải có một tấm lòng, dù không để làm gì cả, dù chỉ để... gió cuốn đi.".
Tôi nhìn sững Sơn không nhớ bao lâu, nhưng chắc là lâu lắm. Cứ ngồi nhìn anh, nhìn vầng trán mênh mông, cúi xuống thật thấp, ngón tay gầy trên nhựng sợi dây đàn. Chiều xuống lúc nào không hay, gió từ sông Hương thổi mạnh. Hình như trời muốn chuyển mưa. Hình như lòng tôi cũng đang chuyển động dữ dội. Một ánh sáng kỳ lạ nào đó vừa chiếu rọi vào cõi tôi u tối, ngu muội. Hình ảnh con nhỏ bụi đời, lúc hàn vi chợt sừng sững trước mắt tôi. Cái ngõ tối lầy lội đường Phan Thanh Giản, cái nhà sàn cầu sắt Đa Kao. Những buổi chiều nằm trên đồi sân Cù Đà Lạt, khóc một mình. Tất cả chợt sống lại hay đúng hơn, ở một lúc nào đó tôi đã chết rồi. Và chiều nay bên dòng sông Hương êm đềm thơ mộng - vầng trán mênh mộng, giọng nói dịu dàng, ánh mắt thăm thẳm, bao dung, Sơn kéo tôi khỏi cái chết ngu xuẩn. Sông vẫn chảy đời sông, suối vẫn trôi đi đời suối, đời người cũng dễ sống và hãy thả trôi đi những niềm đau.
Hai mươi năm qua, tôi sống như lời Sơn nói, như điều Sơn muốn. Còn có ai thấy được hay không, điều đó không cần thiết. Chỉ cần Sơn không thất vọng - điều đó đủ rồi.
Những ngày tháng ở Huế, gần Sơn và gia đình. Đó là khoảng thời gian hạnh phúc nhất của đời tôi. Sáng Đông Ba, chiều Vỹ Dạ, tối họp nhau ở Cercle hoặc nhà anh chị Lễ, đàn hát ngâm thơ. Sơn yêu thơ Nguyễn Bính, bắt tôi ngâm đi ngâm lại bốn câu: "Mà sao giấc ngủ không dài. Mà đêm xuống ngắn mà trời cứ mưa. ở đây tôi sống như thừa. Có đêm men rượu tạm vừa lòng nhau." Có bao giờ Sơn hiểu rằng, dù rượu có hết mà sầu vẫn không vơi. Sơn ơi, Huế ơi, "Nỗi sầu như tóc bạc, cứ cắt lại dài ra"...

Khánh Ly