Thứ Năm, 31 tháng 12, 2009

Xin cảm ơn chúng ta có nhau

Ngày cuối năm đã đến, vạn sự an lành. Gẫm lại 1 năm qua đi, bỗng lang thang không nhớ được năm qua mình đã như thế nào. Không có chi buồn và cũng không có chi vui. Sự bình lặng, bình yên và bình thường đã trôi qua 365 ngày của năm 2009. Bây giờ trời đang nắng ấm, phố phường đang hiền hòa đón nhận những con người bình thường của xứ Huế thong dong mua sắm trên phố, trong các khu chợ và các cửa hiệu. Lòng cảm thấy rất nhẹ nhàng và thanh thản. Viết những dòng này xin dâng tặng cho tất cả các BẠN của tôi để sẻ chia niềm hạnh phúc của thú Lang thang - Thong dong - Thanh thản và Sự bình yên.
Xin cám ơn những tình cảm quý báu mà các Bạn đã ưu ái dành cho Lang thang. Xin cám ơn sự giúp đở và động viên của các Bạn trong năm qua.
Chúc CÁC BẠN một năm mới thật bình yên và bình thường.
Miên Như

Thứ Ba, 29 tháng 12, 2009

Đúng và Sai

Trên văn đàn VN bây giờ trật tự tôn ty lẫn lộn. Không biết đường nào mà lần. Ông này bảo rằng đúng, ông kia bảo rằng sai, ông nọ nói rằng không đúng không sai. Hôm nay là chân lý ngày mai lại là sai lầm. Xã hội ngày càng phát triển thì điều đó cũng tạm chấp nhận. Nhưng ngặt nỗi là cái đúng sai nó giành giật nhau, nó cấu xé nhau, nó dựa vào các thế lực chính trị, nó tồn tại theo kiểu mạnh vì gạo bạo vì tiền và nó được phân định đúng sai trong từng ngày từng giờ như là giá cả gà vịt trong một buổi chợ. Thật là nhức óc bể đầu. Im lặng thì buồn cho thân phận, nói ra thì biết nói với ai đây!!! Chẳng lẻ nói với cái đầu gối ư? Bạn tôi hỏi tôi - Tôi trả lời tào lao - Bạn bảo tôi khinh mạn - Bạn hỏi tôi - Tôi trả lời đàng hoàng - Tức thì tôi rơi xuống hố thẳm của CHÂN LỦNG. Nhân đọc mấy tài liệu trên Blog của TP, thấy có điều thú vị: Một trích đoạn của Vương Trí Nhàn: Nhàn hất đổ cả thế hệ văn nghệ sĩ hiện đại xuống ao. Một bài viết của Trần Mạnh Hảo: Hảo lại xô Nhàn xuống góc chòi Văn. (Tham khảo tại Tu lieu lang thang hoặc vào Tran Phan) Rồi Xuân Sách viết 99 bài thơ phác hoạ 99 chân dung các nhà văn nhà thơ, các bài thơ này đều ở dạng thơ ngắn súc tích, nhiều người thuộc... Thiên la địa võng - Chân lý vô biên (1). Thôi thì rũ nhau ra quán làm vài chai cho quên đi hết ưu phiền cuộc đời.

Thứ Năm, 24 tháng 12, 2009

Gã cuồng khấu cõi nhân gian

Kỳ nữ Kim Cương và Thi sĩ Bùi Giáng
ooOoo
Bùi Giáng - Gã cuồng khấu cõi nhân gian
Trích bài viết của Nguyễn Hữu Hồng Minh trên Vnexpress

...Trong lịch sử thơ ca Việt Nam hiện đại chưa từng sản sinh ra một trường hợp nào lạ lùng và độc đáo như vậy. Thơ với cuộc đời Bùi tiên sinh như đã được quán luận, được thực hành như một Đạo. Đạo Thơ. Hình ảnh còn lại của ông ngày nay được độc giả yêu thơ, yêu nghệ thuật khắc họa qua tranh, ảnh, thư pháp, điêu khắc… trên các chất liệu sơn dầu, mực tàu, rễ cây, rễ tre… lung linh tiềm ẩn một sức sống kỳ lạ. Nó cho thấy Bùi Giáng như một quan điểm, triết thuyết, một biểu tượng sống. Đôi lúc thấy ông ung dung, “nhi bất hoặc” giữa cuộc đời cũng như đôi khi cần thiết thì sẵn sàng tận hiến, đốt cháy bản thân mình, bày tỏ một thái độ. Đôi mắt với cái nhìn thẳng quắc thước không khoan nhượng vì sự thật và cái đẹp khiến ông như một Tế Điên hòa thượng hay Bồ Đề Đạt Ma trong điển cố.
Bởi thế, viết về Bùi Giáng thật khó. Nhiều giai thoại cuộc đời đã kể về ông cũng như sự cống hiến hết mình cho văn học, nghệ thuật thi ca của ông viết bao nhiêu cũng không đủ. Viết bao nhiêu cũng hóa thừa. Tôi tâm đắc lời dịch giả, nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn khi ông nhận định về chuyện này: “Viết đôi lời hay nhiều lời về Bùi Giáng không bằng đọc Bùi Giáng. Đọc Bùi Giáng không bằng giao du với Bùi Giáng. Giao du với Bùi Giáng không bằng sống như Bùi Giáng. Mà sống như Bùi Giáng thì thật vui mà thật khó vậy!”.
Sự nghiệp của Bùi Giáng tỏa rộng qua nhiều lĩnh vực, từ thơ, nghiên cứu phê bình, bình giảng, làm báo và dịch thuật. Nhưng có thể khẳng định thơ đã “can thiệp”, xuyên suốt và xuyên thấu qua hết mọi địa hạt của ông. Nói cách khác, cái lõi của vấn đề Bùi Giáng là “lõi thơ”. Không những Bùi Giáng dịch hay như làm thơ (tiêu biểu như các cuốn Cõi người ta, Hoàng tử bé (Saint Exupéry), Mùi hương xuân sắc (Gérard De Nerval), Hòa âm điền dã, Khung cửa hẹp, Trường học đờn bà (André Gide), Ngộ nhận (Albert Camus), Nhà sư vướng lụy (Tô Mạn Thù)... mà ông viết nghiên cứu cũng dào dạt mê cuồng như làm thơ (Tư tưởng hiện đại, Tuyển tập luận đề, Thi ca tư tưởng)... Sự “nhập đồng”, thăng hoa ấy hiếm người có được!
Hãy thử khảo sát một vài đoạn trong các tiểu thuyết của André Gide, Gérard De Nerval "phổ" qua thơ của Bùi Giáng để thấy chuyện dịch thuật với ông là thân thuộc, biến hóa, là "ăn dầm nằm dề", "nhiễm sâu vào máu", ý vị, sâu sắc, gần gũi mà bay bổng thế nào. Cái thần kỳ của những câu lục bát:
"Hỡi ôi! Quả thật là là
Song trùng đao kiếm đẩy qua đún về
Hở hang tồn lý ê chề
Lẳng lơ chết lịm trận đề huề gieo
Hỗn mang thị hiện ngặt nghèo
Cung giây so lệch thu vèo sang đông"
là cảm hứng của ông khi đọc đoạn văn tiếng Pháp “ Je relis encore une fois tout le chapitre. C’est le depart d’une discussion infinite…" .
Một đoạn khác, ca ngợi thân xác, đầy âm hưởng tượng trưng của thơ Bích Khê:
"Hương ngây tội lỗi rải mơ màng
Da thịt du dương của một nàng
Đã luống đời xanh trên gối lục
Linh hồn tĩnh dạ hận dư vang"
từ tuyệt bút "Le tintement de la cloche du matin était encore dans mon Oreille et m’avait sans doute reveillé…".
Và đây có thể xem là một bài thơ thể 6-8 toàn bích với gợi nhớ từ Truyện Kiều của Nguyễn Du. Sức hấp dẫn của Bùi Giáng không chỉ khẳng định tài năng xử dụng ngôn từ uyên áo của mình mà ông còn thuộc rất nhiều thơ, nói cách khác, sẵn sàng cúi đầu lĩnh hội những cái hay, cái đẹp từ thơ của các bậc tiền bối đi trước. Một thái độ học hỏi, nghiêm cẩn, thành tâm rất hiếm thấy ngày nay ở các nhà thơ trẻ:
"Dư vang tiếng trống tiếng còi
Rập rờn đầu liễu mộng hoài xanh buông
Xa xôi thôn ổ ngậm buồn
Thanh xuân gái dệt từng guồng hoa bay
Còn nghe điệu hát nghiêng mày
Sử xanh lần giở bên ngày phù du
Tràng hoa thêu gấm khơi mù
Dòng tuôn thúy lục xuân thu lên ngàn
Ta về ngón lại dư vang
Rồi mai ly biệt lên đàng nhớ nhung"
là lúc cảm hứng xuất thần, không thể kiềm chế với bến bờ phù trầm từ Carnets của Albert Camus: “Le cor et le tambour résonnaient au loin dans les hameaux et dans le bois les jeunes filles tressaient des guirlandes et assortissaient, en chantant, des bouquets ornés des rubans…".
Dẫn chứng như thế để thấy rõ ràng Bùi Giáng đã lấy "thi tưởng" để "quán" hết mọi lẽ trong hành động. Vì thế mới có những nhận định về Bùi Giáng theo kiểu như của nhà thơ Thanh Tâm Tuyền, đó là "ngủ ra thơ, thở ra thơ, đi ra thơ, đứng ra thơ" .
Điều tôi quan tâm ở thơ Bùi Giáng cũng là thái độ về lẽ biến hóa, vô thường đó. Ông là người kết hợp được những lý lẽ uyên áo, trầm mặc của tinh thần Phương Đông với triết lý thực nghiệm, thực dụng của Phương Tây nên càng về cuối đời, thơ Bùi Giáng càng có những cuộc đảo lộn dữ dội về ngôn ngữ, lật nhào cả những hệ thống quan điểm thơ mà gần như cả một đời ông xây dựng. Từ cái thuở tinh khôi và căn nguyên như trong Mưa nguồn:
"Em về mấy thế kỷ sau
Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không?
Ta đi còn gởi đôi dòng
Lá rơi có dội ở trong sương mù"
Hay Mùa màng tháng tư:
"Đã đi đã đến cuối trời
Đã về như vẫn muôn đời đã đi"
cho đến khi xóa sổ, tung hê hết:
"Sài Gòn Chợ Lớn rong chơi
Đi lên đi xuống đã đời du côn"
Triết lý trong cuộc chơi và kiếm tìm ngôn từ của Bùi tiên sinh cuối cùng chỉ còn lại mấy chữ "vui thôi mà!" cứ ngỡ rằng ai hiểu thế nào cũng được. Cao hơn, như Bồ Đề Đạt Ma giảng trong Tuyệt Quán Luận: "Vấn viết: Hà tâm chi tri? Hà mục chi kiến? Đáp viết: Vô tri chi tri, vô kiến chi kiến” (Vấn: Tâm nào thì hiểu được? Mắt nào thì thấy được? Đáp: Hiểu bằng vô tri, thấy bằng vô kiến).
Nhưng theo ý tôi, "vui thôi mà" đó chính là khát vọng và bi kịch của một thi sĩ đã "tuẫn nạn trên lộ trình của chữ". Dường như mỗi thi sĩ đích thực không thể lý giải hết khát vọng và sự có mặt của mình. Bùi Giáng viết:
"Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau"
Nhiều bài viết của các học giả cho rằng, ở văn học miền Nam một giai đoạn, nếu Phạm Công Thiện là đỉnh cao của trí tuệ thì Bùi Giáng chính là tinh hoa của trời đất.
Vì thế Bùi Giáng là kẻ hát rong giữa chợ đời hay kẻ vì yêu đời quá mà hóa điên, trở thành một gã cuồng khấu vô vọng? Không ai hiểu hết những con đường nào mà thi sĩ đã đi. Đường trần, đường thơ, đường định mệnh. Khi tôi biết Bùi Giáng và đến chơi với ông thì ông không còn đi rong nữa. Có lẽ ông đã thuộc lòng mỗi con đường, mỗi ngõ phố Sài Gòn. Ông dường như chỉ còn ngồi một chỗ trong căn nhà của một người cháu tên là Nguyễn Thanh Hoài trên đường Lưu Quang Định, quận Gò Vấp. Trên trán ông, lớp băng trắng vẫn còn thấm máu bởi những vết thương đời do những kẻ ít hiểu thi sĩ gây ra. Chỉ riêng hai con mắt vẫn sáng bừng như muốn nhìn thấu, muốn ôm trọn hết mọi cõi. Đến lúc ấy tôi mới hiểu hai câu thơ:
"Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con"
(nhạc Trịnh Công Sơn lấy ý thơ Bùi Giáng)
Tôi có nhiều lần được tiếp xúc và gặp gỡ với Bùi Giáng nhưng không có một buổi trò chuyện nào ông chịu hết mình với tôi. Dường như ông muốn vô ngôn trước mọi cuộc đối thoại. Ông thường nằm đu đưa trên cánh võng trong khu vườn nhỏ tịch diệt cô đơn. Nhưng anh Hoài cho biết, ông vẫn âm thầm viết, âm thầm dịch thuật, ghi chú cho đến ngày cuối cùng. Ông thường viết chữ nắn nót rất đẹp trên những trang giấy nhàu nát, vỏ bao thuốc lá ông tình cờ nhặt đâu đó. Nhiều bài thơ trong di cảo ông, anh Hoài đã góp nhặt được bằng cách ấy. Một trong những bài trên giấy rác ấy, ông viết:
"Trước khi về chín suối
Em xin gửi đá vàng
Của trăm năm buồn tủi
Về trở lại nhân gian"
Cho thấy một nỗi niềm, một nỗi buồn nhân thế! Không ai có thể chia sẻ. Ở một góc nào đó, theo tôi, chính là niềm đau thân phận mà ông và các văn nghệ sĩ bạn bè cùng lứa ngẫu nhiên bị cuốn vào, tan tác lốc cuốn, quay cuồng trong bão loạn của thời đại. Và tôi cũng hiểu tài năng, cốt cách của những nghệ sĩ lớn thường được thử thách đến cùng qua những "điểm chết" hay biến cố của lịch sử. Và Bùi Giáng là một trong những tài năng lớn giữ được, bảo vệ được vẹn toàn nhân cách đó. Chính ông đã trở thành một biểu tượng cho chính những người yêu thơ ông vì thế!
Một điểm nữa mà tôi muốn nói trước khi kết thúc bài viết này là Bùi Giáng rất hay nổi điên khi có một người nào truy bức ông đến cùng. Cho dù đó là thi ca hay học thuật. Tôi cho rằng ông tránh các cuộc va chạm nảy lửa và tàn khốc ấy với hai lý do: Một, cuộc đời ông quá đủ đầy như một minh chứng; và hai, ông không muốn tái lặp bất cứ đặt đề, một định đề nào cho Nghệ thuật. Đi vào nó thì giống như đi vào "Sa Mạc Phát Tiết". Ước mơ của ông là tung hê hết chữ nghĩa để nhảy múa và hát ca. Mang tinh thần Lão Tử, hòng diễn giữa chợ đời hiện đại. Vì thế ở một góc chợ Bà Chiểu, hay giữa cầu Trương Minh Giảng, người ta từng thấy thi sĩ múa may quay cuồng hay “nhập đồng” phóng ào từ trên xích lô xuống diễn kịch, múa gậy vây giữa đám đông hồ hởi và cuồng nhiệt. Những hình ảnh thơ như thế sẽ không bao giờ còn nữa. Ông chính là "người thơ" cuối cùng của một thế kỷ và đã ra đi giữa một thời đại đang ngày càng xa vắng những tâm hồn và những tâm tình thơ.
Sài Gòn, 1/10/2008.

Thứ Tư, 23 tháng 12, 2009

Điên vì quá tỉnh

Chân dung Bùi Tiên Sinh


Bùi Giáng điên vì ông quá tỉnh
Tác giả: Thanh Hải
Trích từ báo Vietnamnet


Chàng "trung niên thi sĩ" ra đi đã lâu nhưng đây đó vẫn còn những giai thoại. Hình ảnh một "thi sĩ lập dị" vẫn không phai mờ trong lòng các độc giả. Nhiếp ảnh gia Lâm Ngọc Duy kể về "niềm hạnh phúc nhất của cuộc đời" khi gặp Bùi Giáng.
Giấc mơ thành hiện thực
Vì hoàn cảnh nhưng cũng là một cơ duyên, năm 1980 ông Duy rời Đà Lạt xuống Sài Gòn, đem theo đứa con gái nhỏ sống vất vưởng dọc vỉa hè. Hai cha con tứ cố vô thân, không nhà cửa, hằng ngày ông Duy phải đi chụp ảnh dạo dọc đường phố Sài Gòn tìm miếng cơm, bát cháo lay lắt sống qua ngày.
Một thời gian sau, ông Duy may mắn gặp được nhiếp ảnh gia Trần Cao Lĩnh. Hai người trở thành bạn thân, từ đó ông Duy thuê phòng trọ và được nhận vào làm trong Ảnh Viện Đống Đa trên đường Trương Minh Giảng.
Một hôm ông đi qua bùng binh Trương Minh Giảng, thấy một ông già đang nhảy múa, xung quanh con nít vây xúm rất đông. Cũng hiếu kì nên ông chạy lại xem, ngó chừng dung mạo thấy giống Bùi Giáng được nghe qua lời kể của bạn bè, ông Duy liền hỏi: "Xin lỗi! Có phải ngài là Bùi Giáng không?". Ông già nhướng mắt nhìn và hỏi lại: "Sao anh biết ta?". "Dạ, con là độc giả của ngài đây, hâm mộ ngài đã từ lâu nay mới được gặp, thật là một cơ duyên!".
Bùi Giáng rẽ đám trẻ con ra, cầm tay ông Duy kéo vào một con hẻm nhỏ trên đường Trương Minh Giảng. Tại đó hai người chuyện trò và Bùi Giáng đã chép thơ lên vỏ bao thuốc lá tặng ông Duy. Bài thơ chỉ có một câu: "Chép lời bờ cỏ ra hoa".
Nhìn câu thơ mà ông Duy vui mừng khôn tả, thấy thơ lạ nên ông Duy hỏi: "Thơ ngài quả là siêu phàm, con không hiểu được ý thơ?", nghe Bùi Giáng giải thích ông Duy lại càng kính nể và vui mừng hơn (nhưng vì lí do cá nhân nên ông Duy không kể lại lời giải thích của Bùi Giáng).

Theo dòng ký ức
Nghe Bùi Giáng giải nghĩa câu thơ xong, ông Duy chở "ngài" trên xe đạp dạo quanh Sài Gòn". Lúc nào bên mình ngài cũng có bầu rượu và túi thơ như thế. Và cứ khoảng 200 mét, Bùi Giáng lại bắt ông Duy dừng lại, tạt vào lề đường làm mấy hớp rượu rồi mới chịu đi tiếp. Đến ngã ba, ngã tư có khi ngài lại xuống đường làm cảnh sát giao thông, chỉ đường cho xe cộ đi lại! - ông Duy kể".
Sau cả ngày "du ngoạn" Bùi Giáng cho ông Duy địa chỉ nhà và dặn: "Anh muốn tìm ta thì đến đường Lê Quang Định, cứ hỏi nhà của ông già điên thì ai cũng biết, đến mà thấy ta bệnh thì ghé chơi, còn ta khỏe thì im lặng mà về, ta không tiếp" (những lúc bệnh là lúc ông ca hát, nhảy múa, làm cảnh sát...). Chiều tối ấy, hai người từ giã nhau ra về, ông Duy còn vui mừng lắm khi kể với chúng tôi ngày kỷ niệm đó.
Cách ít lâu sau, ông Duy có đến tìm nhà Bùi Giáng mấy lần, nhưng không lần nào gặp được. Người ta bảo: "Hôm nào ông cũng đi từ lúc 3 giờ sáng, có khi cả nửa tháng mới về nhà". Rồi một bận ông Duy đi sớm. Lần đó ông mang theo bộ tách trà nhỏ với hai cái bánh pía và gặp được ngài trong một quán cà phê ở cuối con hẻm. Thấy ông Duy, Bùi Giáng lên tiếng hỏi: "Sao anh biết ta ở đây?", "Dạ, con đi tìm ngài mấy bữa nay mà không gặp, hôm nay đi không ngờ lại tìm được ngài".
Tại quán cà phê đó, ông Duy pha trà mời, Bùi Giáng cúi xuống rồi đưa tay cao quá đầu nhận trà một cách lễ phép, còn húp cả những giọt trà rơi xuống bàn. Cử chỉ của thi sĩ Bùi Giáng làm ông Duy nhớ mãi không quên. Bộ tách trà uống cùng Bùi Giáng hôm đó, đến bây giờ ông Duy vẫn giữ và trân trọng.
Rời quán cà phê, hai người dắt nhau qua chùa Liên Ứng, tại đây ông Duy đã chụp những bức ảnh đầu tiên về Bùi Giáng.
Ngài lại làm thơ tặng ông Duy. Bài thơ không đề có đoạn viết: "Tăng thanh đầu ngọn yêu đào/Hắc phong hải ngoại tự trào hoàng hôn/Chẻ hai mảnh giấy vô hồn/Lầm sương lạc tuyết là cồn điếu tang/Còn nguyên phố thị hội đàm/Với trăng châu thổ muôn vàn dưới kia". Phía dưới có ghi "Thân tặng Lâm Ngọc Duy, người bạn Quảng Ngãi (tôi bạn Quảng Nam), kí tên Bùi Giáng".
Vào cuối câu chuyện, Bùi Giáng đề nghị: "Anh đưa ta về thăm nhà anh, ta ở lại một đêm mai đi chơi tiếp". Ông Duy ở trọ trong căn nhà lá nhỏ, chỉ có một chiếc giường, đêm hôm ấy ông Duy mời thi sĩ lên giường ngủ. Bùi Giáng không chịu: "Ta nằm dưới đất quen rồi, anh để ta ở đây thoải mái hơn".
Bùi Giáng tiếp: "Anh có làm thơ không? Cho ta coi?". Đọc xong, Bùi Giáng khen hay và nói: "Hay anh in chung với ta một tập đi?", ông Duy khiêm nhường trả lời: "Tôi chỉ đáng xách dép cho ngài sao lại ngồi chung chiếu với ngài được".
Hai lần gặp "một đời" nhớ!

Sau đêm đó, Lâm Ngọc Duy không được gặp lại cho đến khi Bùi Giáng qua đời. Thế nhưng những kí ức về thi sĩ Bùi Giáng đến nay và suốt đời sẽ còn in đậm trong tâm trí ông. Những bài thơ ghi trên giấy vụn, những tách trà xưa uống chung nhau, những bức hình Bùi Giáng, những tập thơ, truyện dịch của Bùi Giáng đến nay ông Duy vẫn còn lưu giữ, tất cả được ép, được đóng khung và trưng trong tư gia một cách trang trọng.
Ai đó có dịp qua Đức Trọng (Lâm Đồng) nhớ ghé nhà Lâm Ngọc Duy. Một căn nhà gỗ nhỏ nép giữa vườn cây cảnh và hoa, hằng tháng ở đây vẫn có những đêm thơ, hằng năm vẫn có những lần giỗ Bùi Giáng, Trịnh Công Sơn và đặc biệt là được nghe ông kể về những kỉ niệm của ông với "Trung niên thi sĩ", "Trịnh nhạc sĩ".
Cuối cuộc trò chuyện, chúng tôi hỏi ông Duy về những nhận xét riêng của ông đối với Bùi Giáng (về cuộc đời, con người cũng như thơ của ông), ông Duy trả lời: "Ngài là một Bồ Tát nghệ Sĩ, người ta cứ nói là Bùi Giáng điên, nhưng tối thấy ngài không điên, họ nói vậy vì họ không biết, Bùi Giáng điên vì ông quá tỉnh!".

Thứ Ba, 22 tháng 12, 2009

Chiêm nghiệm cuộc đời


Bài viết của Chu Dung Cơ
Thanh Dũng dịch
Do bạn Trực Nhân Đăng Văn Chơn gửi tặng, đọc thấy hay và có nhiều điều bổ ích nên Miên tôi xin post lên đây để chia sẻ với mọi người.

Tháng ngày hối hả, đời người ngắn ngủi, thoáng chốc đã già. Chẳng dám nói hiểu hết mọi lẽ nhân sinh, nhưng chỉ có hiểu cuộc đời thì mới sống thanh thản, sống thoải mái.

Qua một ngày, mất một ngày
Qua một ngày, vui một ngày
Vui một ngày, lãi một ngày...

Hạnh phúc do mình tạo ra. Vui sướng là mục tiêu cuối cùng của đời người, niềm vui ẩn chứa trong những sự việc vụn vặt nhất trong đời sống, mình phải tự tìm lấy. Hạnh phúc và vui sướng là cảm giác và cảm nhận, điều quan trọng là ở tâm trạng.

Tiền không phải là tất cả nhưng không phải không là gì. Đừng có coi trọng đồng tiền, càng không nên quá so đo, nếu hiểu ra thì sẽ thấy nó là thứ ngoại thân, khi ra đời chẳng mang đến, khi chết chẳng mang đi. Nếu có người cần bạn giúp, rộng lòng mở hầu bao, đó là một niềm vui lớn. Nếu dùng tiền mua được sức khoẻ và niềm vui thì tại sao không bỏ tiền ra mà mua? Nếu dùng tiền mà mua được sự an nhàn tự tại thì đáng lắm chứ! Người khôn biết kiếm tiền, biết tiêu tiền. Làm chủ đồng tiền, đừng làm tôi tớ cho nó.

"Quãng đời còn lại càng ngắn ngủi thì càng phải làm cho nó phong phú". Người già phải thay đổi cũ kỹ đi, hãy chia tay với "ông sư khổ hạnh" hãy làm "con chim bay lượn". Cần ăn thì ăn, cần mặc thì mặc, cần chơi thì chơi, luôn luôn nâng cao chất lượng cuộc sống, hưởng thụ những thành quả công nghệ cao, đó mới là ý nghĩa sống của TUỔI GIÀ.

Tiền bạc rồi sẽ là của con, địa vị là tạm thời, vẻ vang là quá khứ, sức khoẻ là của mình.
Cha mẹ yêu con là vô hạn; con yêu cha mẹ là có hạn.
Con ốm cha mẹ buồn lo; cha mẹ ốm con nhòm một cái, hỏi vài câu là thấy đủ rồi.
Con tiêu tiền của cha mẹ thoải mái; cha mẹ tiêu tiền của con chẳng dễ chút nào.
Nhà cha mẹ là nhà của con; nhà của con không phải là nhà cha mẹ.
Khác nhau là thế, người hiểu đời coi việc lo liệu cho con là nghĩa vụ, là niềm vui, không mong báo đáp. Chờ báo đáp là tự làm khổ mình.

Ốm đau trông cậy vào ai? Trông cậy con ư? Nếu ốm dai dẳng có đứa con có hiếu nào ở bên giường đâu "cứu bệnh sàng tiền vô hiếu tử". Trông vào bạn đời ư? Người ta cũng yếu, có khi lo cho bản thân còn chưa xong, có muốn đỡ đần cũng không làm nổi.
Trông cậy vào đồng tiền ư? chỉ còn cách đấy.

Cái được người ta chẳng hay để ý; cái không được thì nghĩ nó to lắm, nó đẹp lắm. Thực ra sự sung sướng và hạnh phúc trong đời tuỳ thuộc vào sự thưởng thức nó ra sao. Người ta hiểu đời rất quý trọng và biết thưởng thức những gì cho mình đã có, và không ngừng phát hiện thêm ý nghĩa của nó, làm cho cuộc sống vui hơn, giàu ý nghĩa hơn.
Cần có tấm lòng rộng mở, yêu cuộc sống và thưởng thức cuộc sống, trông lên chẳng bằng ai, trông xuống chẳng ai bằng mình "Tỷ thượng bất túc, tỷ hạ hữu dư", biết đủ thì lúc nào cũng vui "tri túc thường lạc".

Tập cho mình nhiều đam mê, vui với chúng không biết mệt mỏi, tự tìm niềm vui.
Tốt bụng với mọi người, vui vì làm việc thiện, lấy việc giúp người làm niềm vui.

Con người ta vốn chẳng phân biệt giàu nghèo sang hèn, tận tâm vì công việc là coi như cống hiến, có thể yên lòng, không hổ thẹn với lương tâm là được. Huống hồ người ta cũng nghĩ cả rồi, ai cũng thế cả, cuối cùng là trở về với tự nhiên. Thực ra nghề cao chẳng bằng tuổi thọ cao, tuổi thọ cao chẳng bằng niềm vui thanh cao.

Quá nửa đời dành khá nhiều cho sự nghiệp, cho gia đình, cho con cái, bây giờ thời gian còn lại chẳng bao nhiêu nên dành cho mình, quan tâm bản thân, sống thế nào cho vui thì sống, việc gì muốn làm thì làm, ai nói sao mặc kệ vì mình đâu phải sống để người khác thích hay không thích, nên sống thật với mình.

Sống trên đời không thể vạn sự như ý, có khiếm khuyết là lẽ thường tình ở đời, nếu cứ chăm chăm cầu toàn thì sẽ bị cái cầu toàn làm khổ sở. Chẳng thà thản nhiên đối mặt với hiện thực, thế nào cũng xong.

Tuổi già tâm không già, thế là già mà không già; tuổi không già tâm già, thế là không già lại thành già. Nhưng xử lý một vấn đề thì nên nghe già.
Sống phải năng hoạt động nhưng đừng quá mức, ăn uống quá thanh đạm thì không đủ chất bổ, quá nhiều thịt cá thì không hấp thụ được. Quá nhàn rỗi thì buồn tẻ, quá ồn ào thì khó chịu... mọi thứ đều nên "VỪA PHẢI".

Người ngu gây bệnh (hút thuốc, say rượu, tham ăn, tham uống...)
Người dốt chờ bệnh (ốm đau mới đi khám chữa bệnh...)
Người khôn phòng bệnh, chăm sóc bản thân, chăm sóc cuộc sống.
Khát mới uống, đói mới ăn, mệt mới nghỉ, thèm ngủ mới ngủ, ốm mới chữa bệnh... ĐỀU LÀ MUỘN.

Chất lượng sống người già cao hay thấp chủ yếu tuỳ thuộc vào cách tư duy: Tư duy hướng lợi là bất cứ việc gì đều xét theo yếu tố có lợi, dùng tư duy hướng lợi để thiết kế cuộc sống tuổi già sẽ làm cho tuổi già đầy sức sống và tự tin, cuộc sống có hương, có vị. Tư duy hướng hại là tư duy tiêu cực, sống qua ngày với tâm lý bi quan, sống như vậy sẽ chóng già chóng chết.

Chơi là một trong những nhu cầu cơ bản của tuổi già, hãy dùng trái tim con trẻ để tìm cho mình một trò chơi yêu thích nhất, trong khi chơi hãy thử nghiệm niềm vui chiến thắng, thua không cay, chơi là đùa. Về tâm lý và sinh lý, người già cũng cần kích thích và hưng phấn để tạo ra một tuần hoàn lành mạnh.

"Hoàn toàn khoẻ mạnh" đó là nói thân thể khoẻ mạnh, tâm lý khoẻ mạnh và đạo đức khoẻ mạnh.. Tâm lý khoẻ mạnh là biết chịu đựng, biết tự chủ, biết giao tiếp; Đạo đức khoẻ mạnh là có tình yêu thương, sẵn lòng giúp người, có lòng khoan dung, người chăm làm điều thiện sẽ sống lâu...

Con người là con người xã hội, không thể sống biệt lập, bưng tai bịt mắt, nên chủ động tham gia hoạt động công ích, hoàn thiện bản thân trong xã hội, thể hiện giá trị của mình đó là cách sống lành mạnh.

Cuộc sống tuổi già nên đa tầng, đa nguyên, nhiều màu sắc. Có một hai bạn tốt thì chưa đủ, nên có cả một nhóm bạn già, tình đẹp làm thêm cuộc sống tuổi già, làm cho cuộc sống của bạn nhiều hương vị, nhiều màu sắc.

Con người ta chịu đựng, hoà giải và xua tan nỗi đau đều chỉ có thể dựa vào chính mình. Thời gian là vị thầy thuốc giỏi nhất, quan trọng là khi đau buồn bạn chọn cách sống như thế nào.

Tại sao khi về già người ta hay hoài cửu "hay nhớ lại chuyện xưa?" Đến những năm cuối đời, người ta đã đi đến cuối con đường sự nghiệp, vinh quang xưa kia đã trở thành mây khói xa vời, đã đứng ở sân ga cuối. Tâm linh cần trong phòng, tinh thần cần thăng hoa, người ta muốn tìm lại những tình cảm chân thành. Về lại chốn xưa, gặp lại người thân, cùng nhắc lại những ước mơ thủa nhỏ, cùng bạn sống. Quý trọng và được đắm mình trong những tình cảm chân thanh là một niềm vui lớn của tuổi già.

Nếu bạn đã cố hết sức, mà vẫn không thay đổi tình trạng không hài lòng thì mặc kệ nó. Đó cũng là một sự giải thoát. Chẳng việc gì cố mà được, quả ngắt vội không bao giờ ngọt.

"SINH - LÃO - BỆNH - TỬ" là quy luật ở đời, không chống lại được. Khi thần chết gọi thì thanh thản mà đi. Cốt sao sống ngay thẳng không hổ thẹn với lương tâm và cuối cùng đặt cho mình dấm chấm hết thật TRÒN.

Thứ Tư, 2 tháng 12, 2009

Lửa lạnh non thiêng


Xin người chút lửa lạnh non thiêng
(Cảm tác của Miên Như dựa theo Thi phẩm
Chèo vỡ sông trăng và Lửa lạnh non thiêng
của Thi ông Minh Đức Triều Tâm Ảnh)

Đốm lửa cô liêu cháy hoài oan nghiệt”
Một đời ta lẫn lộn việc tới lui
Gần hai vạn, quá nửa đã chôn vùi
Rồi ngó lại, cánh chim buồn bay mỏi

Người đừng hỏi! Xin Người đừng có hỏi
Cớ vì sao khi ném sỏi xuống ao
Là tức thì nhìn thấy ánh trăng chao
Xin thưa thật: Bến bờ mênh mông quá
Con đường quen chừng như nghe xa lạ
Mỗi đi về lòng bỗng thấy vô duyên
Dăm ba chữ lén đọc trước thảo hiên
Trong lòng đã rắp tâm làm Đạo sĩ

Có mần răng xin Người lòng hoan hỷ
Cho lên non thả gió cuốn bay đi
Nếu cơ may gặp “Thượng đế vô tri”
Thì giết quách cho trí tâm thanh thản
Thôi câm đi! Sao cứ hoài lảm nhảm
Chuyện áo cơm được mất của thế nhân
“Nương dâu ... xanh ... sâu bọ tranh dành”
Mà không thấy bóng trăng treo mỏng mảnh

Xông trầm lên! Đọc thơ Triều Tâm Ảnh
Sẽ thấy lòng trút bớt nỗi ưu tư
“Tôi bỏ cuộc? Ừ thì tôi bỏ cuộc!
Tôi ra đi? Ừ thì tôi ra đi
Ai bỏ cuộc và ai không bỏ cuộc
Nhìn trên đầu, mây trắng giục đường phi!”
“Còn ra đi, nghĩa là còn điên dại
Còn yêu người nghĩa là còn quằn quại
Xin một đời rêu cỏ an tri”

Ghi chú: Những câu trong dấu ngoặc kép trích trong 2 tập Chèo vỡ sông trăng và Lửa lạnh non thiêng.


Bến vắng
Hoài niệm Bến Thơ kính tặng các thi bá:
Hoàng Quân
Nguyệt Đình
Mạnh Hồ
Thùy Bảo


Chiều đông nắng nhạt bến sông thơ
Không gian diệu vợi gió vu vơ
Thuyền ai từng chiếc neo bờ vắng
Thiếu Nguyệt dòng Hương lặng thẫn thờ

Cô gái Huế xưa đã lấy chồng
Tóc vẫn buông dài quá nửa lưng
Xa xăm ánh mắt buồn dìu dịu
Vẫn dáng duyên mai đẹp não nùng

Trách ai hờ hững đã bao năm?
Từ thuở trao nhau ánh thu rằm
Mong manh tựa chiếc vàng chưa rụng
Thương bóng hao gầy, thương mảnh trăng

Con đò năm ấy đã về đâu?
Chở khói sương thu vọng tiếng sầu
Mây lạnh chiều buông bên xứ lạ
Ai thầm trăn trở suốt canh thâu!

Bến vẫn chờ mong khách hữu tình
Trời sao bát ngát tỏa lung linh
Bập bềnh mây trắng con thuyền nhỏ
Đâu bến sông xưa những bóng hình !

Miên Như

Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2009

Hàng Đồ Bành


Ngõ: Nhân dịp đọc bài đường thi của VB.
Bành tui cao hứng lắp ráp hai bài họa, do nguồn hứng còn tràn trề
nên Bành làm ráng thêm mấy bài
gửi N2Y, ThanhCulan, và mời quý vị rãnh tay thì họa chơi trong lúc kẹt xe.

Bài xướng của VB:
Mừng thầy giáo họ Ngu được huy chương GD
Ba mươi năm chẵn đã làm thầy
Trên cấp huy chương đến tận tay
Ngớ ngẩn, bao ngày rao tựa sốt
Vu vơ, suốt tháng múa như say
Lửa to rắn lủi, thét gào loạn
Heo nhỏ cọp vồ, buôn bán may
Mấy đứa trẻ thơ theo lớp học
Mai sau đều giỏi việc canh cày.

Hai bài họa của Đồ Bành:
1. Gọi móc mề đay

Ba chục năm dư lỡ tớ thầy (?)
Mề đay gọi móc, nhận chùn tay
Bảng đen ván mục câu nghiêng ngữa
Giáo án gáy sờn chữ tỉnh say
Cách cải ngu bàn thêm dốt vạch
Trình chương kém vá lại non may
Khổ thân lớp trẻ ê a học
Tài mít, đức xơ, rọn vụng cày.

2. 20/11 ???
Có phải rằng đây tết của Thầy
Mà sao nghèn nghẹn ngoéo bàn tay
Bó hoa xanh đỏ nôn nao sắc
Câu chúc lộc tài ngán ngẩm say
Nhất tự bẻ đôi an chó cái
Tam bành gộp lại loạn bông may
Ngợm người ngồi ngẫm thì thào thở
Riêng hỏi còn ai vững lát cày (?)

Mừng ngày Nhà giáo
(Gửi chị N2Y)
Mừng ngày nhà giáo có chi vui ?
Riêng Tớ lòng trong thấy ngậm ngùi !
Dục giáo buổi này chương lạc hậu,
Sỹ phu mai nọ kế thùi lui.
Thi đua chín tháng còn ton tót,
Lợi ích trăm năm sẽ chột thui.
Hể đến ngày ni Tui dị ứng,
Cho nên lắm lúc thích đùa dzui...

Kim cổ sử luận
(Gửi Cụ Thanhculan nhân việc Cụ hỏi về sử cũ)

Hỏi chi sử cũ chuyện đau đầu (?)
Sử mới lộn sòng loạn bể dâu.
Khả tín hỏi chi nguồn khả tín ?
Vô cầu sao chẳng sự vô cầu.
Thâm cung mai mốt lò đuôi chuột,
Bí sử ngày kia toặc não tàu !
Cụ tự Cù lần sao théc méc,
Khả nghi khả tín chuyện đau đầu (!)

Ngày 20
(Đồ Bành mời họa)
Hai mươi lại nhớ chuyện ba mươi,
Cổ tích gẩm ra chuyện nực cười:
Năm ấy ba mươi, mười chín mếu;
Bựa ni năm bốn, một hai cười.
Tâm sơ lễ trọng thời chăn đạo,
Hình nặng nhân khinh buổi trị đời.
Bác Tản ôi! Ôi! Ôi Bác Tản!
Hai mươi bỗng nhớ chuyện ba mươi.

Thứ Ba, 20 tháng 10, 2009

Một thuở Cao nguyên

Ký ức của Phan Văn Hiền.
(Thân tặng các bạn đã từng một thời dạy học ở BMT)
Hồi ấy...
Gia đình tôi đông anh em, mẹ tôi mất trong chiến tranh, nhớ hình ảnh mẹ tôi không kịp oằn người quằn quoại nhưng còn đủ sức thì thào trong đôi cánh tay của ba tôi: "Em chết rồi anh ơi…" và lịm dần trong tiếng gào thét nghẹn ngào của ba tôi – Một quả đạn pháo nổ tung xuyên qua chiếc áo dài mẹ tôi đang mặc, mảnh đạn ghim vào tim…
Sau chiến tranh… dù mất mát nhiều nhưng tôi thầm mãn nguyện và hạnh phúc, cảm thấy bình yên khi không còn nhìn thấy những chiếc quan tài được phủ màu cờ, những thi hài bê bét máu, thương đau…
Nhớ cảnh “rau muối qua ngày” đến bữa, nấu cháo bột mì , ra vườn cắt rau môn xắt nhỏ cho vào đầy cái khương nấu bùn bò của mẹ tôi để lại. Cả nhà quay quần ăn thật ngon lành…
Không riêng gì gia đình tôi, phần nhiều đều gặp khó khăn, nghèo nhưng không đơn độc
Hồi ấy tôi ao ước điều gì thì tôi không còn nhớ rõ. Nhưng, có một điều làm tôi luôn trăn trở là làm sao để giảm đi gánh nặng cơm áo của gia đình, của ba tôi…
Tôi thương ba tôi vất vả một mình nuôi tám anh chị em chúng tôi ăn học.
Nên ... sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm, tôi băn khoăn nhiều trước một dãy dài các tỉnh miền Nam có nhu cầu tuyển giáo viên .
Muốn “Đi xa cho người ta luyến nhớ” (Thơ Lữ Tùng Anh) hay cho “Thỏa chí tang bồng”… nhưng cũng ray rức khi mấy em của tôi còn thơ dại quá, thương xứ Huế trong mưa dầm thúi đất… thương ngọn đèn dầu hiu hắt bên nhà của “Cô láng giêng ơi”… và Thương ba tôi vẫn tươi cười trong vất vả nhọc nhằn…
Đánh liều,Tôi quyết định ghi tên vào trong dòng nguyện vọng “ Đi bất cứ nơi đâu ngoài Bình Trị Thiên” để thực hiện “Thiên chức” “Gõ đầu trẻ” của mình.
Khoảng hơn một tháng sau tôi nhận quyết định đi dạy học ở Ban Mê Thuột, quê hương thứ hai của đời tôi….

“ Te tua !”

Ban Mê thuột, nơi mà tôi và mấy người bạn dạy cùng trường nghịch ngợm gọi theo cảm tính là “Buồn Muôn Thuở” hình tượng hơn “Bụi Mù Trời” mầu mỡ no đủ gọi “Bắp Mà Thôi” hay “Bánh Mì Thịt”… vùng đất trù phú với nhiều đồn điền cà phê mới vừa được quốc hữu hóa .
Cơm tập thể ngày hai bữa, khi thì độn khoai, khi thì sắn lát lục cục lộm cộm trong mấy hạt gạo suy giảm chất lượng vì “An ninh lương thực”, phải để trong kho lâu ngày.
Làm sao mà không thèm tô bún bò kho nấu theo kiểu miền Nam của bà “Sáu ốm Sài Gòn”, bán gần ngoài cổng trường. Mỗi buổi sáng đi ngang qua mùi bò kho ngào ngạt, mặc dù thỉnh thoảng mới ghé vào nhưng vẫn hết cả tiền lương, nên đổ nợ đổ nần.
Có đêm sau khi xuống phố trở về đến khu nhà tập thể xót bụng, bới tạm mấy bụi sắn ở bờ rào nấu ăn cho đỡ cồn cào, ấm bụng soạn giáo án cho xong để ngày mai lên lớp.
Các cô giáo giỏi để dành nên áo quần áo luôn lành lặn. Các thầy giáo chúng tôi thích làm “Lãng tử lang thang” nên tem phiếu vải đã biến thành cà phê, thuốc lá và bún bò kho “Bà Sáu Sài Gòn”. Lên lớp áo bỏ vào quần nai nịt gọn gàng, Thầy nào cũng gầy nên chân đi lất phất trong mốt quần ống rộng, quần áo một hai bộ mặc lâu ngày sờn cả mông, cả gối;
bạc màu thì lật mặt trong ra ngoài may lại… Quần rách mông, xâu kim chỉ mạng lại là thường, chúng tôi gọi đùa “Tivi” đeo sau mông mà lên lớp, vẫn dạy học trò đàng hoàng, hăng say... quên cả trời trăng mây nước.
Nhớ có lần tôi về thăm gia đình học sinh để động viên em Thảo, học sinh lớp 11 do tôi chủ nhiệm tự dưng nghỉ học nữa chừng; sau khi uống ngụm trà, tôi vào đề:
- Thưa bác mấy hôm nay em Thảo nghỉ học, không hiểu có chuyện gì không?
Mẹ Thảo thở dài ngao ngán:
- Thưa với thầy, nói thiệt tình, cháu Thảo không muốn đi học.
- Sao vậy bác? Tôi hỏi lại.
- Cháu mất căn bản nên chán học, tôi khuyên cháu hết cách rồi, thôi ! cho cháu theo tui buôn bán… chứ tui nói thiệt… học chi cho lắm cùng te tua như các thầy… Tui buồn lắm thầy ơi!
Lòng chết lặng, không nói nên lời, lâu nay mình không để ý. Tôi vội gật đầu chào người phụ nữ bộc trực và thẳng thắn, từ từ bước thụt lùi ra phía cửa một cách khéo léo để không ai nhìn thấy cái “te tua”, vì sau mông chiếc quần xám bạc màu của tôi là hai cái “Tivi” mà tôi chắc chắn rằng mẹ của em Thảo đã kịp nhìn thấy khi tôi mới bước vào nhà…

Thầy ơi!
Thầy giáo Kim Long, bạn của tôi,dạy anh văn trong trường có tài “Thơ lục bát” ngâm rằng:
“Khi xa thị xã Ban Mê
Thương những con dốc đi về sớm trưa
Thương những điều ít ai ưa
Trời nắng lắm bụi trời mưa lắm bùn”
Còn tôi...
Ngoài “Thương những điều ít ai ưa”
tôi còn thương tiếng… “Thầy ơi” của học trò.

Thầy ơi!! Thầy ơi!
Văng vẳng từ phía dưới bờ dốc bên kia hàng rào ngăn cách giữa khu tập thể của trường với con đường Nguyễn Công Trứ phía dưới, con đường mà chúng tôi thường băng qua bên kia để đi xuống vườn mít, mít chín nhiều nên chủ vườn dùng làm thức ăn cho trâu bò…
Người bạn cùng phòng nói với tôi:
Ê! ... Học trò của mi đó, ở ngoài hàng rào dưới tê tề…
- Rứa à? Tôi lừng khừng.
Tôi đi ra phía ngoài, lắng nghe, có tiếng cười khúc khích của một đám học trò cả trai lẫn gái…
Bỗng có tiếng vọng lên trong trẻo :
- Thầy ơi!... chụp nghe thầy… chụp nghe thầy…
Một vật gói bằng giấy báo có vẽ khá nặng bay vèo về phía tôi, tôi chụp như thủ môn thiện nghệ. Gói giấy báo mềm mềm còn nòng hổi.
- Tụi em về nghen Thầy... cả lũ cười rúc rích, tinh nghịch trong cái nắng Cao nguyên oi ả,
không biết học sinh lớp nào tôi chỉ biết cười lớ ngớ:
- Ai đó? Các em trưa rồi sao còn đến đây làm chi…
Tiếp lời tôi là một chuổi cười rúc rích và tiếng lạo xạo của cành khô gãy. Tôi chỉ kịp thoáng thấy bong dáng của mấy cô cậu học trò khi các em nép sát người chạy xuống con đường phía sau trường.
Cả bọn chúng tôi trong phòng xúm lại, khi lớp giấy báo được mở ra, có tờ giấy nhỏ ghi mấy chữ lăn tăn, tôi cầm lên đọc “NHÀ EM MỚI KỴ BÀ NÔI - EM BỚI LÊN CHO THẦY”, thêm một lớp lá chuối được mở ra, một về xôi với nửa con gà luộc, gói muối tiêu vàng khè mỡ màng thơm phức.. tôi kêu lên ngạc nhiên:
- Ui chao !
Thằng Nhu, bạn tôi rống lên tinh nghịch: Ứ ư..Tôi yêu em! Tôi yêu em... gà luộc ơi!... Gà luộc ơi…
Và từ đó đến giờ, mỗi lần nhìn món xôi gà, tôi chiêm ngưỡng trong thoáng giây và nhớ về các em học sinh của tôi, lòng ấm lại, trái tim tôi bay bỗng yêu thương. (Còn tiếp)

Thứ Ba, 6 tháng 10, 2009

Gọi em - Thơ Nguyên Sa

Một buổi sáng thức dậy không thấy em,
Tôi chạy ra cửa sổ gọi tên em: Rất to
Những tiếng kêu thất thanh vang trên hè phố
Tôi thầm nghĩ:
Nếu được làm vua,
Tôi sẽ không ngần ngại mang áo mũ cân đai
Ra đứng giữa hoàng thành bắc loa gọi em về làm Hoàng hậu
Tôi bảo rằng em phải về ngay!
Nếu em là gió, tôi sẽ làm trăng;
Nếu em là trăng, tôi sẽ làm mây;
Nếu em là mây, tôi sẽ làm gió thổi.
Còn nếu em là chân trời xa, tôi nguyện làm cánh chim Bằng rong ruổi.
Còn nếu em là mặt trời
Thì bên kia đường xích đạo,
Tôi nguyện suốt đời làm kiếp hướng dương.
Tôi bảo rằng em phải về ngay!
Nếu e ngại tâm hồn còn bé dại,
Tôi sẽ hoá thành một cậu bé học trò
Không bao giờ thuộc bài vì mãi mê đọc tên người yêu
Từ sáng đến chiều, từ đêm đến sáng;
Nếu em không về!
Tôi sẽ ngồi câu cá bên dòng sông Ngân
Nước sông vời vợi, suốt cả tháng Bảy mưa Ngâu
Để linh hồn tôi chết đuối.
Nếu em không về!
Tôi sẽ làm một cuộc cách mạng dài vô hạn,
Nhuộm màu cờ vũ trụ bằng màu tóc của em.
Tôi xoá hết biển hiệu, tên phố, tên đường
Và viết lên: Hỡi người yêu! tôi chờ em mãi mãi.
Nếu em không về!
Tôi sẽ lên chốn sơn lâm làm một gã thảo khấu
Cướp hết những bức thư tình đem lên núi cao
Đọc thật to cho giun dế nghe để sẻ chia nỗi niềm cô độc.
Người yêu ơi! Em phải về ngay./.

(Lưu ý: Ghi theo ký ức nên không đúng nguyên tác, xin tạ lỗi với Tác giả trước)

Thứ Hai, 5 tháng 10, 2009

Tuyệt cú của Giả Đảo


Nhị cú tam niên đắc
Nhất ngâm song lệ lưu
Tri âm vô thưởng thức
Quy ngọa cố sơn thu.
Giả Đảo

Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2009

Gã thủy thủ già


Gã thủy thủ già
Đã đi hết hành trình của mình,
Quay về nơi bến cũ.
Sóng vỗ bờ
Lưu luyến mãi.
Vì sóng biển và thủy thủ kia là bạn
Bao năm rồi gắn bó chuyện buồn vui.
*
Thuở mùa xuân
Vượt muôn trùng lớp sóng,
Chuyện sâu nông lòng biển:
Hỏi mai sau!
Và xanh thắm trưa hè gió mặn
Sóng ân tình tâm sự cuộc biển dâu.
*
Có những lúc chiều buông, nắng sớm
Đại dương bao la trăn trở buổi quay về.
*
Thu sang,
Đêm trường ánh trăng vàng ru giấc.
*
Rồi đông đến,
Người thủy thủ lên boong tàu,
Buộc lại chiếc buồm xanh.
Cho bão táp, cuồng phong,
Sóng gầm giận dỗi
Vẫn yên bình lòng biển lắng thêm sâu.
*
Thời gian trôi nhanh,
Trôi nhanh,
Chiều buông xuống.
Người thủy thủ già thanh thản,
Đếm bước chân mình trên biển cát bình yên./.

Miên Như
Huế, 13/02/2009

Thứ Ba, 22 tháng 9, 2009

Thơ xướng họa




Bài xướng của
Thi bá Thạch Trung
Huyện Mỏ Cày - Tỉnh Bến Tre

Tặng Miên Như.

M ịt mờ ngõ trúc gió trăng qua
I m ỉm cửa cài, vắng Bá Nha
Ê m ả tịch viên cô ngọa chẩm
N ão nề hoang mạc độc hành ca
N gác ngơ luống cúc dăm chồi héo
H iu hắt đàn thông một cội già
Ư ng ửng hừng đông tia nắng ấm
NGỌC lành gió núi Ngự - Hương xa.

Ba bài trang họa của Miên Như
1
TH ênh thang đỉnh ngự gió xuân qua
A n lạc kinh thành bóng Phủ Nha
C ánh Phượng hồn nhiên đùa ánh nắng
H ý trường rộn rã lộng câu ca
TR ang nghiêm cổ Tự, ông Sư trẻ
U yển chuyển dòng Hương, chiếc Nguyệt già
N ồng thắm bóng dừa xanh viễn xứ
G iấc mơ ấp ủ gởi phương xa.

2
TH ấm thoát thời gian chiếc bóng qua
A n nhiên ngồi gẫm chuyện môn nha
C òn chăng nửa cuộc chơi hoằng viễn
H ay chỉ đôi vần phổ khúc ca
TR ân trọng nghĩa tình khôn vấy đục
U ng dung tuế nguyệt chẳng lo già
N gọt ngào phấn bảng, câu quên nhớ
G iáo án bây giờ gió cuốn xa.

3
TH ong dong ngồi đếm tháng ngày qua
A i cứ chờ chi lão Bá Nha
C uộc lữ thênh thang, thuyền một chiếc
H ành trình vô định, rượu đôi ca
TR ao tình trăng gió không lo thiệt
U ống nghĩa núi sông chẳng sợ già
N on nước tiêu dao ba vạn sáu
G ần thêm mây khói, phố phường xa.

Thứ Bảy, 5 tháng 9, 2009

Kỷ niệm Cao nguyên

Ta về với cội ngô đồng
Cao nguyên còn đó mênh mông khói chiều
ooOoo
Sau một tuần lễ mê man chím đắm trong ký ức mù khơi, bây giờ Miên tôi đã tỉnh giấc Nam Kha để ghi lại 7 ngày mê đắm. 4 giờ sáng 29/8 ba anh em tôi gồm Bảo -Tịnh - Niệm có mặt tại bến xe Cây số 5 BMT. Một thông điệp được phát đi thông báo sự tái hiện của 3 anh em xứ Huế tại BMT, ly cà phê nóng vừa mang ra, đã nhận được tin hồi âm của các Bạn Trần Bá Hùng sau đó là Lê Chí Vi, Trương Anh. Thế là chúng tôi hội ngộ tại BMT kể từ lúc 5 giờ sáng 29/8/2009. Phở, Bún, Bia, Trà, Cà Phê, Chụp bóng, Gọi điện thoại, Trò chuyện, Cười đùa... không khí lễ hội bùng lên làm cho cả Thành phố Buôn Mê Thuột rộn ràng vui tươi và tràn đầy sức sống, ngã sáu thân thương đèn - hoa rực rỡ. Thế rồi yêu thương dồn dập trào ra, thế rồi Nguyễn Đức Kim Long ngâm thơ, La Sơn nhắc lại khúc ca xưa, Hồ Xuân Long với với phong cách trẻ trung đẹp trai như 30 năm trước nở nụ cười rạng rỡ, Nguyễn Ngọc Quang và Hồ Phạm Thu Thủy tuy chững chạc thêm chút ít nhưng vẫn fresh hạnh phúc bên nhau như đôi vợ chồng mới cưới, các bạn Bá Long, Mậu, Nguyện, Chánh, vẫn còn sung sức trẻ trung tràn đầy nhiệt huyết, các bạn Oanh, Khôi, Tân, Anh Hải, Tùng Linh, Dương Văn Đức thời gian tô thêm vài phần đạo mạo nhưng nụ cười còn đọng nét hồn nhiên - xinh xắn - yêu đời - lạc quan như xưa, bạn Phùng Văn Bê phong độ có tụt bớt vài mươi nhưng nét thơ vẫn còn khí khái, bạn Phan Hồng dáng vẻ bệ vệ oai phong của một chính khách, ban Diệu tuy sức khỏe hơi hạn chế nhưng tình cảm thật dạt dào, bạn Bình thì phong độ hiên ngang của một nhà kinh tế thành đạt, bạn Sen lên muộn hơn một chút nhưng đã rất độ lượng bắt tay ân cần thăm hỏi Kim Long, đáp lại bạn Kim Long có hơi e dè ngần ngại gặp Sen với hai câu thơ tạ tội, và rồi Sen đã đặc xá cho Long; và các bạn khác tuy tóc đã điểm sương nhưng trong ngày gặp gỡ bạn nào cũng trẻ thêm ra mươi tuổi. Buổi họp mặt rất xúc động khi gặp lại anh Bùi Thế Vình, người anh người đồng nghiệp của chúng tôi, cảm động khi nhận được những tình cảm rất chân tình của các thầy cô trường PTTH Buôn Mê Thuột đặc biệt là tình cảm nồng nàn của cô Minh Nguyệt hiệu trưởng. Bây giờ trong chúng tôi khắc sâu thêm một kỷ niệm khó phai trong những ngày họp mặt tại BMT. Cảm ơn BMT đã cho tôi gặp lại được bạn bè sau mấy mươi năm xa cách. Cám ơn các bạn đã cho tôi có cơ hội thăm lại mộ phần của người học trò Lưu Thị Hoàng Liên thân thương của tôi đã quá cố, gặp lại người học trò, người bạn tâm đắc một thời nghèo khó cùng tôi trên đất tây nguyên Cao Đức Khiêm, gặp lại người học trò thầy thuốc, người anh thân tình ấm áp Lê Văn Tuấn. Tôi đã rất hạnh phúc được gặp gỡ các bạn. Xin sự an bình và hạnh phúc đến với tất cả chúng ta.
oOo
Như thế là chúng tôi đã họp mặt cùng nhau, đã ca hát với nhau, đã ngâm thơ tặng nhau, đã chụp hình cho nhau và đã cụng ly với nhau suốt 5 tiếng đồng hồ, cuối cùng màn đêm Cao nguyên đã buông xuống, phòng tiệc còn lại 3 anh em chúng tôi từ xứ Huế, ngồi nhâm nhi những ly bia cuối cùng của bửa tiệc, còn có cả Kim Long từ Saigon lên cũng cô đơn ngồi lại. May thay nhìn lại còn có Lê Chí Vy và La Sơn, như dzậy là chúng tôi 6 khách cuối cùng của nhà hàng Đam San. Chúng tôi kết thúc ngày 29/8/2009 lúc 23 giờ với bước chân ngay ngắn trở về Khách sạn, còn Chí Vy đành cầm cố ô tô tại Đam San để gọi ta xi ra về. Ngày thứ nhất qua đi.
oOo
Ngày thứ hai chúng tôi thức dậy thể dục vệ sinh xong thì vừa lúc 6h30, thưởng thức hương vị cà phê BMT trong không khí trong lành của Cao nguyên vào sáng sớm, lác đác các bạn Trương Anh, Nguyễn ngọc Quang, Lê Chí Vy, Kim Long, Xuân Long... tập trung để tiếp tục chương trình đi thăm Lak lake và Dinh Bảo Đại tại Lak. Thật là duyên may cho đoàn chúng tôi đợt thăm Lak lần này được anh Trung Chủ tịch Huyện Lak nhiệt tình giúp đở và cùng đi với đoàn, do đó các khoản tham quan, hậu cần được anh Trung chăm sóc rất chu đáo. Qua trang blog này tôi xin gửi lời cảm ơn anh Trung thật nhiều. Chúng tôi vui chơi ở Lak cho đến quá trưa thì quay về BMT. Chưa kịp say buổi trưa, buổi chiều chúng tôi được BGH trường PTTH BMT mời tham dự buổi tiệc chiêu đãi tại nhà hàng Bốn Triệu (Theo tìm hiểu riêng của chúng tôi, Nhà hàng này lớn nhất BMT bởi vì sau đó chúng tôi đã cố gắng đi tìm nhà hàng 4 triệu rưởi, năm triệu chi đó nhưng tìm không ra). Tình cảm quá dạt dào, nhiều thế hệ thầy cô tại Cao Nguyên đã có mặt trong buổi tiệc này. Kỷ niệm lại tiếp nối kỷ niệm, chúng tôi choáng ngợp với hạnh phúc vô biên.
Rồi thì đột ngột bạn Dương Văn Đức có nhã ý mời nhóm Toán chúng tôi tiếp tục làm thêm vài chai cho mát mẻ khi chiều buông để nhớ BMT sâu đậm hơn, thế là chúng tôi lại kể cho nhau nghe chuyện cổ tích ngày xưa, chúng tôi kể cho nhau nghe chuyện Sơn Tinh Thủy Tinh, chuyện Mỵ Châu Trọng Thủy, Chuyện Tấm Cám, Chuyện Lạc Long Quân và Âu Cơ... chúng tôi nghe kể chuyện, nghe hát ca dao, nghe hò ru em, nghe Sử thi Tây nguyên...
oOo
Bỗng đêm hết tự bao giờ chúng tôi không rõ, trời đã bắt đầu sáng, tiếng gà rừng đã vang lên bên kia chân đồi, anh em chúng tôi thức dậy và chia tay nhau, tạm biệt Cao Nguyên yêu mến với bao tình cảm luyến lưu mãi trong trái tim mỗi chúng tôi. Tiếp theo sau đó riêng tôi tiếp tục lang thang 2 ngày tại Kontum với Đôn Vũ Nhường Thất rồi 3 ngày tiếp theo còn dư chấn lại tiếp tục lang thang tại Huế với các anh và các bạn Bào Tín Đạt Ba, Lành Thạnh Bảo Tịnh, Thọ Hiền Hùng Thống.
Xin mượn mấy câu thơ của bạn Nguyễn Thanh để khép lại bài này:
Kỷ niệm nỗi nhớ khôn cùng
Trông về kỷ niệm, mịt mùng thời gian
Xa xăm vọng lại tiếng đàn
Lời ca xưa ấy chợt lan kín hồn.
Huế, buổi sáng trời mưa 07/9/2009

Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2009

Dưới gốc mù u

Ta ngồi dưới gốc mù u
Thấy vần thơ lạc ù ù chạy vô.
Nhìn ta, dừng lại mé hồ
Hỏi rằng ai đó: Đi mô mà ngồi?
Chốn này là gốc làng tôi
Chờ thơ thì được, chờ xôi thì đừng
Lơ mơ một thoáng định thần
Mù u còn đó - Ngày xuân đâu rồi !
Mù u cổ thụ làng tôi,
Tuổi thơ tôi đã từng ngồi ở đây
Bạn bè mấy đứa trèo cây
Hát hò chạy nhảy - Ngô ngây quanh đình
Chừ đây còn lẻ một mình
Mù u bóng tỏa - Sân đình vắng teo !
Thằng Lân, thằng Rọm, thằng Tèo
Mỗi thằng mỗi nấm - Chèo queo bên đồi
Nhìn quanh còn một mình thôi !
Mù u bóng cả, tôi ngồi mù u !
Mông mênh mây khói mịt mù,
Quanh co vạn nẽo - Mù u tìm về.
Nằm lòng hương lúa đồng quê
Chạnh tình cố lý - Tìm về mù u.
Úa màu sắc lá mùa thu
Lá thay mặc lá - Mù u vẫn còn
Còn trời, còn nước, còn non
Còn làng, còn xóm, mãi còn mù u
Người đi thăm lại chiến khu
Mình về thăm lại mù u làng mình
Chôn nhau cắt rốn thâm tình
Mù u bóng rợp sân đình quê hương !

(Dưới gốc mù u cổ thụ Đình làng Kế Võ - Vinh Xuân)
Mùa thu 2009
NGUYỆT ĐÌNH

Thứ Ba, 25 tháng 8, 2009

Nghĩ mà trực cười


"Nghĩ mà trực cười, miền đì buôn mà họ bắt miền ở trù" Lão vừa đi vừa liên tục lẩm bà, lẩm bẩm trong miệng một cách nghiêm cẩn như ngẩm nghĩ một điều gì tâm đắc lắm. Rồi Lão mĩm cười một cách độ lượng khoan khoái, nụ cười viên mãn như của một vị chân tu đã hoát nhiên đại ngộ. Ngày nào cũng thế, trên vai chiếc đòn gánh với hai đầu hai chồng rổ cá nặng trĩu, đôi chân gầy guộc, đen bóng của Lão chạy thoăn thoắt trên đường làng. Thỉnh thoảng có người gọi mua, Lão lại dừng chân đặt gánh cá xuống để cho vài người dân quê chọn mua, có người trả giá rẻ quá, Lão lại lẩm bẩm "Người tra không có trét à!" Lão lại vội vã đặt đội quang gánh lên vai chạy tiếp kẻo sợ cá ươn và cho kịp buổi chợ. Lúc đã bán xong gánh cá Lão lại thong dong ngược trở về nhà và không quên lẩm bà lẩm bẩm trong miệng: "Nghĩ mà trực cười, miền đì buôn mà họ bắt miền ở trù" rồi Lão lại nở một nụ cười mãn nguyện, đại lượng, khoan dung như vị cao tăng đã đắc đạo. Một lần bọn tôi quá thắc mắc với câu lẩm bẩm của Lão, bèn mon men đến dò hỏi khi Lão ngồi nghỉ bên vệ đường. Hóa ra thế này: Thuở ấy còn chiến tranh, có một lần Lão đi bán cá, bị cảnh sát tình nghi lão giả danh bán cá để làm liên lạc cho cách mạng nên bắt Lão về đồn giam 3 ngày, sau khi xét hỏi thấy Lão chất phát, hồn nhiên vô tội như một vị thiên thần nên tha cho Lão về nhà. Trở về Lão tiếp tục đi buôn cá, nhưng Lão cứ thắc mắc mãi, không hiểu tại sao người ta bắt Lão để làm gì, và người ta hỏi Lão những câu mà Lão chưa từng nghe bao giờ và không thể hiểu được. Bởi vì suốt đời Lão, Lão đâu có biết thế nào là hoạt động, thế nào là cách mạng, thế nào là liên lạc, thế nào là tài liệu... Lão chỉ biết mua con cá người ta đánh bắt được từ biển khơi giá 9 đồng thì Lão phải bán 10 đồng thì Lão mới có củ khoai, củ sắn, có lon gạo để ăn, để nuôi vợ nuôi con. Vậy thôi, tối giản vậy thôi. Cho nên Lão nghĩ không ra việc cảnh sát bắt Lão 3 ngày để làm gì!!! Do đó Lão trực cười, có nghĩa là Lão nực cười cho cái chuyện vu vơ của cuộc đời, của mấy cha cảnh sát bỏ công theo dõi để bắt Lão mà giam 3 ngày; cho ăn cho uống, mà lại không sinh ra cái lợi cái lộc chi cả. Từ đó Lão thương hại cho con người, cho mấy cha cảnh sát kia tội nghiệp, u minh, đa nghi, đa hoặc, vô công, rỗi nghề... Bởi vì việc Lão đi buôn cá là đi buôn cá, buôn cá để kiếm chút sắn, chút khoai, hằng ngày Lão đi buôn là quá rõ ràng, dân cả mấy cái làng này ai mà chẳng biết Lão, là chuyện sờ sờ ra đó thế mà lại bắt Lão đi ở trù (tức là ở tù). Và sau khi không thể nghĩ ra được chuyện gì đã xảy ra, và tại sao lại xảy ra như thế Lão lại mĩm cười độ lượng, khoan dung, không oán trách giận hờn, không dính mắc chi với chuyện ở tù 3 ngày đó nữa, Lão lại lẩm bẩm: "Nghĩ mà trực cười, miền đì buôn mà họ bắt miền ở trù".

Thứ Hai, 10 tháng 8, 2009

Sắc Phong của Triều đình

Hình chụp từ bản gốc Sắc phong Hàn Lâm Viện Thị Giảng Học Sỹ

Lời thưa trước: Hiện nay tại Đinh Gia, Thôn Kế Võ - Vinh Xuân - Phú Vang - Thừa Thiên Huế vẫn còn lưu giữ được một số Sắc Văn của Triều đình Nhà Nguyễn Phong tặng. Nhằm giúp con cháu trong gia tộc có điều kiện tìm hiểu, Miên Như đã nhờ anh Trương Đình Tín giúp phiên âm và dịch nghĩa các Sắc Phong trên. Nay Miên tôi chép lại và công bố trên Blog này để bà con gần xa có thể tham khảo. Trong bài đăng này có điều gì chưa được chuẩn xác, kính mong quý vị cao nhân vui lòng giúp đở chỉ giáo thêm. Miên tôi vô cùng tri ân.

SẮC PHONG PHỤNG NGHỊ ĐẠI PHU

天興運
皇帝制曰朕惟立政用人宜舉考功之典量材定位用旌治事之能咨爾原內務清慎司主事丁光忄宁行檢足觀材器可取有猷有為有守政術攸宜曰清曰慎曰勤官箴是迪敏幹洵堪底績明揚宜簡在庭茲特賞陞奉議大夫正五品錫之誥命尚其無曠厥司勉咸勤於趨事式欽成命永無斁於承庥欽哉 .
成泰玖年貳月初参日
敕命之寶


Phiên âm:

Thừa Thiên hưng vận,
Hoàng đế chế viết:
Trẫm duy lập chính, dụng nhân nghi cử khảo công chi điển. Lượng tài định vị, dụng tinh trị sự chi năng. Tư, nhĩ nguyên Nội vụ Thanh Thận Ty Chủ sự Đinh Quang Trữ, hạnh kiểm túc quan, tài khí khả thủ. Hữu du, hữu vi, hữu thủ chính thuật, tu nghi: Viết thanh, viết thận, viết cần, quan châm thị địch. Mẫn cán tuân kham để tích minh dương nghi giản tại đình. Tư đặc thưởng thăng Phụng Nghị Đại Phu, Chánh Ngũ Phẩm, tích chi. Cáo mệnh, thượng kỳ vô khoáng quyết ti miễn hàm cần ư xu sự. Thức khâm thành mệnh, vĩnh vô dịch ư thừa hưu. Khâm tai!
Thành Thái cửu niên, nhị nguyệt tam nhật
SẮC MỆNH CHI BẢO

Dịch nghĩa:
Thừa
Thiên hưng vận,
Hoàng đế nói rằng:
Trẫm mưu nghĩ lập chính sự, dùng người theo cách cất nhắc cũng như khảo xét công lao theo điển lệ. Tuỳ theo tài mà đặt người đúng chỗ, dùng người có đức hạnh, tài năng để trị việc. Nghĩ rằng Ông Đinh Quang Trữ nguyên là Chủ sự Ty Thanh Thận Nội vụ, có hạnh kiểm tốt, giữ được tài khí. Ông là người làm việc có sách lược, có phương pháp, có giữ nơi chính thuật, nên nói rằng: Ông là người trong sáng, cẩn thận, cần mẫn, lấy làm gương cho các quan. Ông là vị quan mẫn cán xứng đáng được tuyên dương tại Triều đình. Nay đặc biệt sắc ban thưởng thăng chức Phụng Nghị Đại Phu, hàm Chánh Ngũ Phẩm. Ngõ hầu không bỏ thiếu chức trách của mình, hãy gắng sức, chuyên cần, kính cẩn tuân mệnh mãi không thôi.
Hãy vâng kính!
Niên hiệu Thành Thái thứ 9, ngày mồng 3 tháng 2
(Đinh Dậu - 1897)
SẮC MỆNH CHI BẢO


SẮC PHONG TRIỀU LIỆT ĐẠI PHU

天興運
皇帝制曰朕惟立正用人宜舉考功之典量材定位用旌治事之能咨爾員外領户部郎中丁光忄宁行檢足觀材器可取有猷有為有守正術攸宜曰清曰慎曰勤官箴是迪敏幹洵堪底績明揚宜簡在庭兹特陞授朝列大夫從四品仍領該部郎中錫之誥命尚其無曠厥司勉咸勤於趨事式欽成命永無斁於承庥欽哉 .
維新参年参月貳 拾玖日
敕命之寶


Phiên âm:

Thừa Thiên hưng vận,
Hoàng đế chế viết:
Trẫm duy lập chính, dụng nhân nghi cử khảo công chi điển. Lượng tài định vị, dụng tinh trị sự chi năng. Tư, nhĩ Viên Ngoại Lang lĩnh Hộ bộ Lang Trung Đinh Quang Trữ, hạnh kiểm túc quan, tài khí khả thủ. Hữu du, hữu vi, hữu thủ chính thuật, tu nghi: Viết thanh, viết thận, viết cần, quan châm thị địch. Mẫn cán tuân kham để tích minh dương nghi giản tại đình. Tư đặc thăng thụ Triều Liệt Đại Phu, Tòng Tứ Phẩm, nhung lĩnh Cai Bộ Lang Trung tích chi. Cáo mệnh, thượng kỳ vô khoáng quyết ti miễn hàm cần ư xu sự. Thức khâm thành mệnh, vĩnh vô dịch ư thừa hưu. Khâm tai !
Duy Tân tam niên, tam nguyệt nhị thập cửu nhật
SẮC MỆNH CHI BẢO
Dịch nghĩa:
Thừa
Thiên hưng vận,
Hoàng đế nói rằng:
Trẫm mưu nghĩ lập chính sự, dùng người theo cách cất nhắc cũng như khảo xét công lao theo điển lệ. Tùy theo tài mà đặt người đúng chỗ, dùng người có đức hạnh, tài năng để trị việc. Nghĩ rằng Ông Đinh Quang Trữ chức Viên Ngoại Lang lãnh Hộ Bộ Lang Trung, có hạnh kiểm tốt, giữ được tài khí. Ông là người làm việc có sách lược, có phương pháp, có giữ nơi chính thuật, nên nói rằng: Ông là người trong sáng, cẩn thận, cần mẫn, lấy làm gương cho các quan. Ông là vị quan mẫn cán, xứng đáng được tuyên dương tại Triều đình. Nay đặc biệt thăng chức Triều Liệt Đại Phu, hàm Tòng Tứ Phẩm, nhậm lãnh chức Cai Bộ Lang Trung. Ngõ hầu không bỏ sót chức trách của mình, hãy gắng sức, chuyên cần, kính cẩn tuân mệnh mãi không thôi. Hãy vâng kính !
Niên hiệu Duy Tân thứ 3, ngày 29 tháng 3
(Kỷ Dậu- 1909)
SẮC MỆNH CHI BẢO
SẮC PHONG TRUNG THUẬN ĐẠI PHU

天興運
皇帝制曰朕惟立正用人宜舉考功之典量材定位用旌治事之能咨爾從四品領兵部郎中丁光忄宁行檢足觀材器可取有猷有為有守正術攸宜曰清曰慎曰勤官箴是迪敏幹洵堪底績明揚宜簡在庭兹特寔授中順大夫該部郎中錫之誥命尚其無曠厥司勉咸勤於趨事式欽成命永無斁於承庥欽哉 .
維新陸 年参月貳 拾陸 日
敕命之寶

Phiên âm:
Thừa Thiên hưng vận,
Hoàng đế chế viết:
Trẫm duy lập chính, dụng nhân nghi cử khảo công chi điển. Lượng tài định vị, dụng tinh trị sự chi năng. Tư, nhĩ Tòng Tứ Phẩm lĩnh Binh Bộ Lang Trung Đinh Quang Trữ, hạnh kiểm túc quan, tài khí khả thủ. Hữu du, hữu vi, hữu thủ chính thuật, tu nghi: Viết thanh, viết thận, viết cần, quan châm thị địch. Mẫn cán tuân kham để tích minh dương nghi giản tại đình. Tư đặc thực thụ Trung Thuận Đại Phu, Cai Bộ Lang Trung, tích chi. Cáo mệnh, thượng kỳ vô khoáng quyết ti miễn hàm cần ư xu sự. Thức khâm thành mệnh, vĩnh vô dịch ư thừa hưu. Khâm tai !
Duy Tân lục niên, tam nguyệt nhị thập lục nhật
SẮC MỆNH CHI BẢO
Dịch nghĩa:
Thừa Thiên hưng vận,
Hoàng đế nói rằng:
Trẫm mưu nghĩ lập chính sự, dùng người theo cách cất nhắc cũng như khảo xét công lao theo điển lệ. Tùy theo tài mà đặt người đúng chỗ, dùng người có đức hạnh, tài năng để trị việc. Nghĩ rằng Ông Đinh Quang Trữ chức Viên Ngoại Lang lãnh Binh Bộ Lang Trung, có hạnh kiểm tốt, giữ được tài khí. Ông là người làm việc có sách lược, có phương pháp, có giữ nơi chính thuật, nên nói rằng: Ông là người trong sáng, cẩn thận, cần mẫn, lấy làm gương cho các quan. Ông là vị quan mẫn cán, xứng đáng được tuyên dương tại Triều đình. Nay đặc cách sắc phong cho thực thụ chức Trung Thuận Đại Phu, Cai Bộ Lang Trung. Ngõ hầu không bỏ sót chức trách của mình, hãy gắng sức, chuyên cần, kính cẩn tuân mệnh mãi không thôi. Hãy vâng kính !
Niên hiệu Duy Tân năm thứ 6, ngày 26 tháng 3
(Nhâm Tý- 1912)
SẮC MỆNH CHI BẢO

SẮC PHONG TRUNG NGHỊ ĐẠI PHU

天興運
皇帝制曰朕惟人臣事上之忠垂老不渝素節王者推恩之典歸休因沛殊霑亶協穀辰載揚芝綍咨爾兵部郎中丁光忄宁行能可取材器足觀曰清曰慎曰勤觀箴是迪有猷有為有守政術攸宜考功方俟陟明引例已闻辭祿宜加章服用慰餘年兹準陞授中議大夫光祿寺卿休致錫之誥命尚其帶已新銜歸于舊里烏巾暇豫逍遙遊釣之樹邱鳩杖夷猶沐浴昇平之膏露欽哉 .
維新捌年拾壹月貳拾壹日
敕命之寶
Phiên âm:
Thừa

Thiên hưng vận,
Hoàng đế chế viết:

Trẫm duy nhân thần sự thượng chi trung, thùy lão bất du tố tiết. Vương giả suy ân chi điển. Quy hưu nhân bái thù triêm đản hiệp cốc thời tải dương chi phất. Tư, nhĩ Binh bộ Lang trung Đinh Quang Trữ hạnh, năng khả thủ, tài khí quan: Viết thanh, viết thận, viết cần quan châm thị địch. Hữu du, hữu vi, hữu thủ chính thuật. Du nghi khảo công phương sĩ trắc minh dẫn lệ, dĩ văn từ lộc nghi gia chương phục dụng uỷ dư niên. Tư, chuẩn thăng thụ Trung Nghị Đại phu Quang Lộc Tự Khanh hưu trí tích chi. Cáo mệnh thượng kỳ đái dĩ tân hàm quy vu cựu lý, ô cân hạ dự tiêu dao du điếu chi thọ Khâu, Cưu trượng di do mộc dục thăng bình chi cao lộ. Khâm tai !
Duy Tân bát niên, thập nhất nguyệt nhị thập nhất nhật.
SẮC MỆNH CHI BẢO

Dịch nghĩa:
Thừa Thiên hưng vận,
Hoàng đế nói rằng:
Trẫm nghĩ việc dùng kẻ bề tôi trung để phụng sự người trên, đến khi già lão vẫn không biến đổi cái khí tiết trong sạch. Kẻ vương giả suy xét cái ân theo điển lễ. Người trở về hưu trí khác nhau chỉ ở chỗ thấm nhuần hợp với ngày tốt để nắm cái dây thừng cỏ chi lớn. Nghĩ rằng, Quan Binh Bộ Lang Trung Đinh Quang Trữ, giữ được đức hạnh, năng lực và tài khí xem xét, nên nói rằng: Ông là người trong sáng, cẩn thận, chuyên cần; lấy làm gương cho các quan. Ông là người làm việc có sách lược, có phương pháp, có giữ nơi chính thuật. Nên khảo xét công lao chờ để thăng quan rõ ràng theo luật lệ, nghe những lời tốt đẹp nên càng thêm sáng trong việc ủy thác, trọng dụng ông nhiều năm. Nay chuẩn sắc phong chức Trung Nghị Đại Phu Quang Lộc Tự Khanh lúc hưu trí. Ngõ hầu cái giải nầy lấy cái mới mà trở về nơi quê cũ vấn chiếc khăn đen nhàn hạ nơi cây Khâu, cầm gậy Cưu dự vào thú tiêu dao câu cá, ngoạn cảnh ung dung, tự do tắm gội ân trạch trong cảnh thăng bình. Hãy vâng kính !
Niên hiệu Duy Tân năm thứ 8, ngày 21 tháng 11
(Giáp Dần - 1914 )
SẮC MỆNH CHI BẢO

SẮC PHONG HÀN LÂM VIỆN THỊ GIẢNG HỌC SĨ


天興運
皇帝制曰朕惟君子顯親之孝莫大乎貽名朝廷錫類之恩必原其所自揆禮之稱緣情而推咨爾原授京畿水師中營知簿故丁克性乃光祿寺卿休致丁光忄宁之父完此秉彝食乎舊德教子則方以義能仕而勸之忠竇桂香濃識靈椿之蔭遠韓桐葉沃知福樹之根深顯道惟彰令果肆邦家之有慶鳳詔覃恩嘉乃子之能官鴻逵漸翼宜加顯號式發幽光玆特贈朝列大夫翰林院侍講學士錫之誥命於戲不朽者名既用光于泉壞尚篤其慶以長荷夫廕庥慰爾潛馨服玆湛渥欽哉
啟定元年拾貳月貳拾參日
敕命之寶

Phiên âm:

Thừa Thiên hưng vận,
Hoàng đế chế viết:

Trẫm duy quân tử hiển thân chi hiếu mạc đại hồ. Di danh triều đình, tích loại chi ân tất nguyên kỳ sở tự quỹ lễ chi xưng, duyên tình nhi suy. Tư, nhĩ nguyên thụ Kinh Kỳ Thuỷ Sư Trung Doanh Tri Bạ cố Đinh Khắc Tính nãi Quang Lộc Tự Khanh hưu trí Đinh Quang Trữ chi phụ, hoàn thử bỉnh di thực hồ. Cựu đức giáo tử tắc phương dĩ nghĩa năng sĩ nhi cần chi trung, Đậu quế hương nùng, thức linh xuân chi ấm. Viễn Hàn đồng diệp ốc tri phúc thọ chi căn, thâm hiển đạo duy chương lệnh quả tứ bàn gia chi hữu khánh. Phụng chiếu đàm ân, gia nãi tử chi năng quan, hồng quỳ tiệm dực, nghi gia hiển hiệu thức phát u quang. Tư, đặc tặng Triều Liệt Đại Phu Hàn Lâm Viện Thị Giảng Học Sĩ, tích chi. Cáo mệnh Ư hi! bất hủ giả danh ký dụng quang vu tuyền hoại. Thượng đốc kỳ khánh dĩ Trừng Hà. Phù, ấm hưu uỷ nhĩ tiềm hinh phục tư trạm ốc, Khâm Tai !
Khải Định nguyên niên, thập nhị nguyệt nhị thập tam nhật
SẮC MỆNH CHI BẢO

Dịch nghĩa:
Thừa Thiên hưng vận,
Hoàng đế nói rằng:
Trẫm nghĩ rằng người quân tử được hiển thân, để lại tên tuổi không gì to lớn hơn chữ hiếu. Triều đình ban cho các loại ân trạch ắt là ngay từ đầu tự mình đánh giá về lễ noi theo cái tình mà cất nhắc. Nghĩ rằng Ông Đinh Khắc Tính nguyên được trao cho chức Kinh Kỳ Thuỷ Sư Trung Doanh Tri Bạ là cố phụ của Quan trí sĩ Quang Lộc Tự Khanh Đinh Quang Trữ đã hoàn thành xong cái đạo thường của con người ta về bổng lộc. Cái đức xưa dạy con theo con đường nghĩa, lấy nghĩa có thể ra làm quan mà khuyến khích lòng trung. Hương thơm nồng thắm của cây quế họ Đậu cho biết cái ân trạch để lại của cội xuân. Lá ngô đồng mềm mại của nước Hàn xa xôi kia cho ta biết cái gốc rễ của sự thọ phúc. Làm cho cái đạo thêm sâu rộng duy chỉ có làm cho cái tên của mình rực rỡ ắt hẵn phải phơi bày cái niềm vui của nước nhà. Chiếu phượng ban ơn cho con của Ông có tài năng trong việc làm quan giúp mở ra dần dần con đường lớn, làm cho từ chỗ tối tăm trở nên sáng sủa. Nay, sắc đặc tặng chức Triều Liệt Đại Phu Hàn Lâm Viện Thị Giảng Học Sĩ. Ôi! Cái tên này còn mãi không mất, dùng để làm sáng mãi nơi dòng họ. Ngõ hầu dốc niềm vui nầy với Trừng Hà, che chở an ủi tháng ngày hưu trí ẩn dật của Ông được hương thơm mãi. Nay ban cho ân trạch. Hãy vâng kính !
Niên hiệu Khải Định năm đầu, ngày 23 tháng 12
(Bính Thìn - 1916)
SẮC MỆNH CHI BẢO

SẮC PHONG TÒNG TỨ PHẨM CUNG NHÂN

天興運
皇帝制曰朕惟臣子立身之節忠自孝移朝廷錫類之恩母以子貴榖辰亶協芝綍孔揚咨爾故阮氏爵乃光祿寺卿休致丁光忄宁之母莊潔凝微溫葯表則蘋蘩穀範端中饋之儀凡荻芳型克裕高門之廕成此令器晨彼碩人肆今大慶之年推恩所自嘉乃善根之積厥彼克昌載攷堯章式隆美報兹特贈從四品恭人錫之誥命於戲倚閭之望父矣乃及于成流根之報今兹永承無斁欽哉 .
啟定元年拾貳月貳拾参日
敕命之寶

Phiên âm:

Thừa Thiên hưng vận,
Hoàng đế chế viết:

Trẫm duy thần tử lập thân chi tiết. Trung tự hiếu di triều đình tích loại chi ân. Mẫu dĩ tử quý, cốc thời đản hiệp chi phất Khổng dương. Tư: nhĩ cố Nguyễn Thị Tước nãi Quang Lộc Tự Khanh hưu trí Đinh Quang Trữ chi mẫu. Trang, khiết, ngưng, vi ôn dược; biểu tắc tần phiền cốc phạm đoan trung quỹ chi nghi. Phàm địch phương, hình khắc dụ cao môn chi ấm. Thành thử lệnh khí thần bỉ thạc nhân tứ. Kim Đại Khánh chi niên, suy ân sở tự gia nãi thiện căn chi tích. Quyết bỉ khắc xương tái khảo Nghiêu chương thức long mỹ báo. Tư đặc tặng Tòng Tứ Phẩm Cung Nhân tích chi. Cáo mệnh, Ư hi ! ỷ lư chi vọng phụ hĩ ! nãi cập vu thành lưu căn chi báo kim. Tư vĩnh thừa vô dịch, Khâm tai !
Khải Định nguyên niên thập nhị nguyệt nhị thập tam nhật
SẮC MỆNH CHI BẢO

Dịch nghĩa:
Thừa Thiên hưng vận,
Hoàng đế nói rằng:

Trẫm nghĩ rằng cái tiết trung của kẻ thần tử lập thân là từ chữ hiếu mà ra. Triều đình ban cho các loại ân trạch. Mẹ nhờ con mà quý, ngày tốt quả thật hợp với sợi dây thừng to cỏ chi được kính trọng nơi cửa Khổng. Nghĩ rằng: Bà Nguyễn thị Tước là cố mẫu của Quan trí sĩ Quang Lộc Tự Khanh Đinh Quang Trữ, là người nghiêm trang, thanh khiết, ôn thuận, lấy làm phép tắc cho người khác noi theo; là người đảm đang, lúc cúng tế thì có phép tắc trong cái dáng vẻ đoan chính. Phàm cỏ địch thì thơm; khuôn phép, biểu trưng là ân trạch đầy đủ của chốn cao môn. Thành thử khiến sớm đem cái tài năng của người lớn phô bày ra. Nay nhân gặp năm Đại Khánh, xét ân trạch tự làm cho gốc rễ sâu xa của cái thiện tốt đẹp thêm. Điều này có thể tôn vinh một lần nữa như trong chương Nghiêu huấn về việc báo đáp cao cả. Nay sắc đặc thưởng hàm Tòng Tứ Phẩm Cung Nhân. Ô hô! như dựa nơi cửa hẻm để trông cha vậy, bởi vì ngày nay đã gặp sự báo đáp chảy từ nơi nguồn gốc. Mong rằng thừa hưởng mãi không dứt. Hãy vâng kính !
Niên hiệu Khải Định năm đầu, ngày 23 tháng 12
(Bính Thìn, 1916)
SẮC MỆNH CHI BẢO

Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2009

Húy nhật Cha Mẹ 2009


Kỷ niệm
Húy nhật Cha Mồng 5 tháng 6 Âm lịch
Húy nhật Mẹ 17 tháng 6 Âm lịch
(Kế Võ 26/7/2009 và 07/8/2009)
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ Mẹ kính Cha
Cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con

Thứ Hai, 3 tháng 8, 2009

Tại sao?


Tự nhiên mà hỏi tại sao, thì bố thằng nào trả lời đặng, bởi Tại sao là tại sao? Tại sao có câu hỏi tại sao? Chắc cái thằng đi hỏi tại sao bị khùng rồi (!). Đúng thế, nó khùng nó mới đi hỏi tại sao, chứ bỗng dưng mà nó đi hỏi tại sao sao được. Có lẽ trong lòng nó ấm ức chuyện chi đó nên nó mới đi hỏi tại sao, bởi lẽ đã hỏi tại sao là tại sao cái gì? Tại sao trời nắng? Tại sao trời mưa? Tại sao đói? Tại sao no? Tại sao giàu? Tại sao nghèo? Tại sao bọn nó lại đi ăn cướp? Tại sao con chó có lông? Tại sao con chó mõm đen? Tại sao nó không chết? Tại sao nó cứ sống nhăn răng thế kia? VÂN VÂN VÀ VÂN VÂN... Chẳng thà nó hỏi tại sao một cái cụ thể như thế thì thế nào cũng có đưa giải thích được. Nếu không giải thích được bây giờ thì 5 năm, 10 năm nó sẽ giải thích được mà quá lắm thì nó cũng có câu trả lời tầm bậy tầm bạ chi đó. Đằng này nó cứ lảm nhảm hỏi tại sao? tại sao? tại sao? mà chẳng nói cụ thể tại sao cái quái gì cả thì bố thằng nào mà trả lời được. Nếu trong quý vị có vị nào trả lời được Miên tui xin kính cẩn lắng nghe. Tóm lại Tại sao là Tại sao vậy thôi.